Số liệu mới nhất do Liên minh châu Âu (EU) công bố hôm 5/1 cho thấy lạm phát tháng 12/2023 tại khu vực đồng euro là 2,9%, tăng 0,5% so với một tháng trước đó. Đây là lần đầu từ tháng 4/2023, lạm phát tại 20 nước eurozone tăng tốc.
Giá thực phẩm, đồ uống có cồn, thuốc lá và dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, năng lượng hạ không đáng kể. Những yếu tố này kéo lạm phát lên cao.
Tại hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu là Pháp và Đức, lạm phát cũng tăng trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Đức tháng 12 tăng 3,8%, cao hơn mức 2,3% tháng 11. Tại Pháp, CPI tăng 4,1% tháng 12. Ở cả hai nước này, giá năng lượng tăng đều là nguyên nhân kéo lạm phát đi lên.
Lạm phát tháng 12 tăng trở lại là điều đã được các nhà kinh tế học dự báo từ trước, do các chính phủ đang rút dần khoản trợ cấp hào phóng trong khủng hoảng năng lượng năm ngoái. Bên cạnh đó, nền giá để so sánh năm ngoái ở mức thấp.
Số liệu này cũng phù hợp với dự báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), rằng lạm phát sẽ chạm đáy trong tháng 11/2023 và sau đó quanh 2,5-3% đến hết năm 2024, trước khi giảm về 2% vào 2025.
Giới phân tích cho rằng hiện có hai yếu tố tác động đến lạm phát ở eurozone trong dài hạn. Đó là, lương của người lao động và căng thẳng địa chính trị.
Các cuộc đàm phán lương tại hầu hết quốc gia trong khối sẽ hoàn tất vào quý I, nhưng tháng 5 mới công bố số liệu. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải chờ đến giữa năm mới nhìn được bức tranh tổng thể.
Căng thẳng địa chính trị ngày càng khó đoán. Cuộc chiến ở Gaza có ít tác động lên giá nhiên liệu, song gián đoạn logistics gần đây trên kênh đạo Suez đang kéo chi phí vận chuyển lên cao.
Số liệu lạm phát tháng cuối cùng 2023 cũng làm phức tạp thêm dự báo về khả năng giảm lãi suất năm nay. Nhà đầu tư hiện đặt cược ECB giảm lãi 6 lần năm nay, bắt đầu từ tháng 3. Trong khi đó, quan chức ECB cho rằng phải đến giữa năm họ mới đủ tự tin khẳng định lạm phát trong tầm kiểm soát.
Hà Thu (theo Reuters, CNN)