Lạm phát của eurozone gần đây liên tục lập đỉnh do tác động từ xung đột Nga - Ukraine và các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đợt phong tỏa vì Covid-19. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của eurozone tháng 6 tăng 8,6% và tháng 5 tăng 8,1%.
Tại Đức, lạm phát là 7,5% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Còn ở Tây Ban Nha, lạm phát lên cao nhất 38 năm, với 10,8%.
Eurostat hôm nay cũng công bố GDP quý II của khu vực đồng euro. Theo đó, nền kinh tế các nước eurozone tăng 0,7%, cao hơn nhiều so với dự báo chỉ 0,2% của giới phân tích. Trong quý I, mức tăng là 0,5%. Các số liệu này gây ngạc nhiên cho nhiều người trong bối cảnh giá năng lượng và thực phẩm tại châu Âu tăng vọt.
Châu Âu hôm nay còn đón nhận hàng loạt báo cáo kinh tế của các nước. Du lịch hồi phục đã thúc đẩy kinh tế Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, cường quốc xuất khẩu là Đức lại chững lại.
GDP nền kinh tế lớn nhất châu Âu gần như không tăng trong quý II, do điều kiện kinh tế toàn cầu "khó khăn", theo cơ quan thống kê liên bang Đức Destatis. Tác động từ "Covid-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chiến sự tại Ukraine rõ ràng đã phản ánh lên diễn biến kinh tế trong ngắn hạn", Destatis giải thích.
Hà Thu (theo AFP)