Đó là chia sẻ của ông Phạm Chí Quang - Vụ phó Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) ngày 18/6 khi đề cập đến vấn đề lạm phát đang nóng lên khắp toàn cầu và tình hình tại Việt Nam.
Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,75% - mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994, một loạt ngân hàng trung ương các nước cũng đã phản ứng ngay lập tức. Các nước cũng điều chỉnh lãi suất bám sát mức tăng của Fed, dao động từ 0,5-1%.
Chỉ số sức mạnh của đồng bạc xanh USD-Index cũng đã tăng 9-10% so với đầu năm nay, kéo theo một loạt đồng tiền của các nước mất giá mạnh (đồng bath mất giá hơn 7%, đôla Đài Loan mất giá 5%, yen mất giá 14,6%...).
Trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá các nước đều có xu hướng biến động mạnh, ông Quang chỉ ra điểm tích cực tại thị trường trong nước khi mặt bằng lãi suất huy động và cho vay lại tăng rất nhẹ 0,09% và đồng Việt Nam chỉ mất giá khoảng 2%.
Phó Vụ trưởng đánh giá Việt Nam sẽ chịu áp lực rất lớn khi lạm phát toàn cầu tăng nhanh, đặc biệt là giá dầu và giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất tăng mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 và tình hình chiến sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, ông cho rằng, "Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm ở mức 4% và đủ dư địa chính sách tiền tệ đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá, hạn chế nhập khẩu lạm phát".
Một số tổ chức mới đây cũng dự báo về phản ứng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh lạm phát leo thang toàn cầu, một loạt ngân hàng trung ương cũng đã nâng lãi suất cơ bản. HSBC và ACBS đều đặt ra kịch bản nhà điều hành có thể nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong quý III hoặc trong năm nay.
Lạm phát Việt Nam cũng được nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng lên trong năm nay, song vẫn dễ thở hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Lạm phát giá năng lượng tại Việt Nam cũng đã kéo dài được một thời gian nhưng Chính phủ cũng đang tính thêm các giải pháp như giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu. Nhóm thực phẩm cũng trải qua tình trạng tăng giá song Việt Nam tự chủ được lương thực thực phẩm (chiếm 40% rổ hàng hóa), nên áp lực lạm phát ít hơn các nước.
Quỳnh Trang