Em là nữ, 27 tuổi, làm nhân viên thiết kế cho tập đoàn Đức ở quận 1, có vài trăn trở, mong độc giả cho em cái nhìn khách quan hơn về nghề nghiệp.
Em thấy xung quanh mình, cụ thể là bậc cha mẹ thế hệ trước thường có quan điểm làm nhà nước rất hãnh diện, không cần biết chức vụ gì, chẳng hạn thư ký, văn thư, giáo viên,... Cứ là nhà nước sẽ được coi là ổn định và có danh tiếng. Em không rõ tiêu chuẩn này có rộng khắp từ miền quê đến thành thị không hay chỉ một phần ở quê em thôi. Gần đây, em vô tình nghe được cô chú lớn tuổi khác thế hệ truyền cho con cháu mình rằng bằng mọi giá phải vào được nhà nước, dù làm ở vị trí nào, vì như thế mới được xem là gia đình nề nếp, uy tín và danh dự.
Em không biết từ đâu có được lập luận ấy. Có lần Tết về quê, có bạn cùng tuổi hỏi em rằng đi làm có ổn không. Em nói công việc rất tốt, tuy nhiên khá bận rộn. Bạn ấy nói sao hồi đó không học giáo viên hay y tá, tìm công việc ổn định thảnh thơi mà làm. "Mày thấy cái A kìa, làm giáo viên mầm non rất ổn định". Tuy nhiên em biết rõ thu nhập ở nhà nước nếu không có chức vụ sẽ chỉ đủ sống so với ở quê.
Gần đây, chị đồng nghiệp có bạn trai, khi ra mắt gia đình, chị nói với ba mẹ bạn trai là chị làm nhân viên văn phòng, mảng thiết kế sản phẩm cơ khí. Gia đình bạn trai nói bóng gió thích tìm con dâu làm trong nhà nước hơn, dù để đạt kiến thức trình độ làm việc như chị, nhân viên như em phải mất 5-7 năm học sâu về Toán, Lý, Hóa. Hơn nữa lương chị ấy so với nhà nước, gấp 5-7 lần là bình thường.
Em không hiểu tiêu chuẩn của xã hội về nghề nghiệp như thế nào là danh giá. Dẫu biết nghề nghiệp thể hiện phần nào trình độ học vấn nhưng để nói làm cho nhà nước là cả họ được nhờ, được tôn sùng hơn những công việc khác, em thấy không đúng chút nào. Đến nay nhiều người vẫn còn nghĩ chỉ làm nhà nước mới có lương hưu trí và hưởng chế độ của xã hội, còn đối với làm việc kinh tế tư nhân, công ty, xí nghiệp là bấp bênh và không có lương hưu sau này.
Em có một anh bạn đang làm pháp chế cho một công ty Nhật, bị cha mẹ hối thúc về quê xin vào làm vị trí hộ tịch cho phường. Để có vị trí đó, gia đình anh phải vất vả ngược xuôi, tốn kém mới có thể xin được. Anh một mực từ chối, thế là xung đột tư tưởng thế hệ xảy ra.
Em nhận thấy làm trong nhà nước không phải là không tốt, người trẻ thì tư duy cải cách cải tiến, tiến bộ sẽ giúp cho đất nước đi lên nhưng rất ít cơ hội thăng tiến, đa phần ù lì làm qua ngày nhận lương tháng, mấy ai mạnh dạn thay đổi. Em không hiểu tuổi trẻ như em quá thực dụng, chạy theo tiền bạc hay thế hệ trước quá khắt khe?
Minh Nguyệt