Hai tuần trước Tết Trung thu, trong căn phòng khoảng 30 m2 trên đường Trường Sa (quận 3), chị Nguyễn Thị Kim Thủy (31 tuổi) tỉ mỉ sơn vẽ từng nét trên chiếc lồng đèn Lý ngư hóa long (cá chép hóa rồng). Cạnh đó, chồng chị cùng hai nhân viên tất bật làm khung, dán giấy kiếng, trang trí.
Thủy cho biết, vài năm trước tình cờ xem bộ ảnh Trung thu chụp từ những năm 1920 và ấn tượng với những gian hàng, cảnh rước lồng đèn làm bằng giấy kiếng hình con cá, cua, ông tiến sĩ giấy, đèn kéo quân.
Vợ chồng chị đều xuất thân từ nghề kiến trúc nội thất, lại yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc nên đã ấp ủ ý tưởng phỏng dựng lại những chiếc lồng đèn xưa.
"Các loại lồng đèn cổ truyền ngày càng hiếm nên tôi muốn làm để lưu giữ nét văn hóa đang dần mai một", chủ xưởng cho biết. Vì không còn nhiều tài liệu nên chị chỉ có thể phỏng dựng lại sao cho giống nhất thay vì phục chế nguyên bản một sản phẩm như cách đây cả thế kỷ.
Sau thời gian tìm hiểu nhiều tài liệu, đến làng lồng đèn Phú Bình (quận Tân Bình) tham khảo, từ năm ngoái hai vợ chồng bắt tay làm những sản phẩm đầu tiên. Sẵn kỹ năng về kiến trúc nên họ không gặp nhiều khó khăn trong việc tạo hình khối, phỏng đoán và thiết kế lại lồng đèn từ những hình ảnh xưa.
"Tuy nhiên khâu tìm nguyên vật liệu lại phức tạp vì tôi không rõ nghệ nhân xưa dùng loại giấy, màu, làm khung bằng chất liệu nào", chị nói.
Ban đầu, họ dùng tre làm khung và cố định bằng dây thép như nhiều loại lồng đèn hiện nay. Tre giúp khung cứng nhưng dễ gãy và mốc sau một thời gian. Việc dán giấy trên khung cố định bằng thép cũng không chắc chắn do tiết diện thép quá nhỏ. Thép dễ uốn nhưng một thời gian sẽ bị cong, bật ra khỏi khung.
Hai người chuyển sang dùng cây trúc vì mềm, dẻo dù giá thành nguyên liệu cao hơn. Khung cố định với dây rút nhựa hoặc chỉ, giúp thợ giảm thiểu rủi ro trầy xước tay khi làm bằng dây thép. Ưu điểm của lồng đèn làm bằng trúc là để được nhiều năm, vẫn giữ được bộ khung dù mối nối có bung ra. Các công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉ một thao tác sai sẽ ảnh hưởng đến giá trị lồng đèn. Vì vậy, thời gian đầu, hai vợ chồng phải bỏ dở nhiều sản phẩm cho đến khi lành nghề.
Sản phẩm đầu tiên hoàn thiện là chiếc đèn Lý ngư hóa long dài gần một mét. Sau khi lên mẫu trên máy tính, họ mất ba ngày hoàn thiện và nhiều giờ để vẽ thủ công gần 200 vảy cá, phối màu cho sinh động. Khi giới thiệu lồng đèn trên mạng xã hội, họ nhận được nhiều lời khen từ mọi người và bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên.
Gần hai năm nay, hai vợ chồng tập trung vào làm lồng đèn xưa. Vì là sản phẩm thủ công lại có kích thước lớn nên mọi công đoạn đều tỉ mỉ. Như bộ khung một người làm mất ít nhất 9 tiếng để uốn cong, ghép mối nối, cố định từng bộ phận với nhau. "Với lồng đèn con cua hai ngày mới làm xong khung vì có nhiều chi tiết so với hình cá chép. Có những bộ phận phải dùng loại mũi khoan siêu nhỏ vào thanh trúc để tạo mối nối", anh Nguyễn Hoàng Sơn, 35 tuổi, (chồng chị) cho biết.
Lồng đèn dán bằng loại giấy kiếng phổ thông như nhiều xưởng khác nhưng nhiều chi tiết, bề mặt cong nên mất thời gian hơn, từ vài tiếng đến ba ngày. Trong đó khó nhất là đèn cua vì phải dán hai lớp giấy. Nếu giấy dán không căng sẽ ảnh hưởng tới việc vẽ tạo hình. Tùy theo hình dáng, họa tiết mà người thợ mất từ 12 đến 18 tiếng để vẽ xong. Trong khi đó, lồng đèn tiến sĩ giấy mất ba ngày xong, phỏng dựng theo hình ảnh quan thời Nguyễn.
Công việc được họ làm quanh năm, cao điểm vào hai tháng trước Trung thu. Thời gian này có khoảng 50 đơn hàng mỗi tháng, gấp 10 lần ngày thường và cần 10 người phụ việc. Loại đèn hình cá chép chiếm hơn một nửa số đơn. Mỗi sản phẩm có giá từ vài trăm nghìn đến 7 triệu đồng. Rẻ nhất là lồng đèn vọng nguyệt, đèn cá chép, cua tùy theo hình dáng, độ tinh xảo có giá trung bình 4 triệu đồng.
Chủ xưởng cho biết, giá thành cao vì mỗi mẫu mã đều tinh xảo, kích thước lớn và có độ bền cao. "Lồng đèn thường thấy làm khá đơn giản, có thể làm gần trăm cái mỗi ngày nhưng với mẫu mà tôi làm thì đòi hỏi thời gian gia công lâu, có thiết kế riêng, khác hẳn những sản phẩm phổ thông", chị Thủy nói.
Khách hàng của xưởng thường mua làm quà tặng hoặc trang trí trong gia đình. Hai vợ chồng cho biết, thời gian tới sẽ nghiên cứu thêm mẫu khác.
Quỳnh Trần