Gia đình ông Minh hiện là một trong số hộ nông dân làm kinh tế tiêu biểu tại huyện Bắc Sơn. Vốn gốc người Hà Tây (cũ), năm 1974 ông rời quê, lên xã Nhất Hòa lập nghiệp, xây dựng gia đình. Cơ duyên đưa ông đến với nghề nuôi hươu sao rất tình cờ khi đi tìm hiểu cách làm kinh tế của các trang trại chăn nuôi tại Hà Tĩnh.
Nhận thấy huyện Bắc Sơn khí hậu trong lành, cây cỏ tươi tốt nên ông nuôi thử. Năm 2013, ông dùng 45 triệu đồng dành dụm và vay mượn thêm để mua 3 con hươu giống Sau một năm, ông cắt được hơn 2 kg nhung thu về 40 triệu đồng và bắt đầu mở rộng trang trại.
Ông Minh cho biết, ông luôn được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, chăm sóc hươu. Ông cũng chủ động tìm hiểu thêm kiến thức thông qua sách, báo, mạng Internet, từ những người nuôi trước và đúc rút từ kinh nghiệm từ bản thân.
Khi mua hươu giống, ông lựa con có dáng nhanh nhẹn, mắt sáng, cao. Hươu là loài động vật quen sống trong môi trường hoang dã nên khi nuôi nhốt phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh nhằm đảm bảo ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Hàng ngày, cần kiểm tra thể trạng của đàn hươu một đến hai lần để kịp thời phát hiện con nào có biểu hiện chán ăn, mắc bệnh để xử lý kịp thời. Thức ăn của hươu dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, lá cây, thân cây chuối... "Với những con hươu đang trong thời kỳ sinh sản và cho nhung, cần bổ sung thêm thức ăn giàu tinh bột và củ quả tươi", ông Minh cho hay.
Nhờ nắm vững kỹ thuật nên đàn hươu gồm 10 con của gia đình ông Minh phát triển tốt. Theo ông Minh, khi được 2 năm tuổi, hươu đực bắt đầu cho nhung, nếu chăm sóc tốt, bổ sung đủ tinh bột thì sẽ cho những cặp nhung nặng từ 0,5-1 kg một cặp, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, có những con hươu cho cặp nhung nặng tới 1,5 kg. Nếu hươu khỏe mạnh, được chăm sóc tốt thì mỗi năm, hươu có thể cho thu hoạch nhung hai lần. Từ năm 2018 đến nay, với giá bán trung bình là 2 triệu đồng một lạng nhung giúp gia đình ông Minh có nguồn thu nhập ổn định hơn 150 triệu đồng một năm sau khi trừ chi phí.
Không chỉ nuôi hươu, ông Minh còn tận dụng đất vườn rộng, gần rừng để nuôi ong mật. Trước đó, ông chỉ nuôi vài đàn, sau đó ông nhận thấy điều kiện tự nhiên thích hợp để nuôi ong ông tăng dần số đàn ong mỗi năm.
Theo kinh nghiệm của ông, việc tăng đàn rất quan trọng, ngoài yêu cầu thoáng, mát thì nếu không điều chỉnh được đàn hay không chú ý tới chất lượng đàn thì ong sẽ bỏ về rừng. Bởi thế, hàng năm vào mùa hoa, ông chú trọng việc tạo ong chúa, sau đó tiến hành chia đàn. Bên cạnh đó, ông còn dành thời gian quan sát, làm vệ sinh thường xuyên, không để kiến, gián và các loại ong khác leo lên thùng. Hiện gia đình ông có 15 đàn ong, cho thu hoạch trên 150 lít mật ong một năm. Với giá bán ra thị trường từ 350.000 - 400.000 đồng một lít, cho doanh thu 50 triệu đồng một năm.
Ông Dương Thời Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhất Hòa đánh giá sự chịu khó, sáng tạo và chủ động tìm hướng đi mới cho mô hình nuôi trồng của ông Minh. "Ông Minh luôn nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn các hội viên khác cùng học tập theo mô hình", ông Sáu nói.
Mô hình nuôi hươu lấy nhung của ông Minh đã được nhân rộng, hiện toàn xã có 13 hộ gia đình nuôi với tổng 61 con hươu góp phần cải thiện thu nhập cho nhiều hộ nông dân tại địa phương.
Thế Đan