Từ 8h sáng, trang trại của ông Trần Kim Phi (47 tuổi, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy) tấp nập xe tải ra vào. Hàng chục người làm đang phân loại, cân và nhập cá gửi đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc.
Cá được chở từ hồ cát lên, đổ ra rổ để phân loại theo kích cỡ. Loại một nặng trên 0,7 kg, bán 48.000-50.000 đồng/kg. Mỗi ngày, ông Phi xuất bán 5-7 tấn cá, trung bình cả năm là 2.000 tấn cá lóc thương phẩm, gồm cá của trang trại và thu mua từ bà con hai thôn Bắc Hòa, Tân Hải.
Ông Phi kể, 10 năm trước, người dân các xã đồng bằng đào ao nuôi cá lóc thành công, còn xã Ngư Thủy cát trắng mênh mông, không trồng trọt, chăn nuôi gì được. Ông lân la tìm hiểu rồi đào ao trên cát, nuôi thử cá lóc, tự rút kinh nghiệm cho mình. Cá lóc khỏe nên nhanh chóng thích nghi với vùng cát trắng.
Mỗi hồ 300 m2 ông Phi thả 30.000 cá giống. Những năm đầu, 10.000 cá giống cho sản lượng ba tấn cá thương phẩm. Sau này do ông tích lũy kinh nghiệm, quy trình nuôi khép kín, áp dụng kỹ thuật nên sản lượng tăng lên 4-5 tấn cá thương phẩm. Mỗi vụ cá khoảng nửa năm, chi phí ban đầu của mỗi hồ nuôi khoảng 20-30 triệu đồng, mỗi tấn cá lợi nhuận 10 triệu đồng.
Những năm gần đây, ông Phi nuôi thêm cá lóc trong hồ xi măng, vừa tiết kiệm diện tích, dễ kiểm soát lượng cá, lượng thức ăn, dịch bệnh, vừa tốn ít kinh phí cải tạo hồ sau mỗi vụ so với nuôi cá lóc trên hồ cát.
Đến nay, trang trại của gia đình ông Phi rộng hơn một ha, xuất bán cá quanh năm. Ông cũng chủ động được nguồn giống cung cấp cho nhiều hộ nuôi quanh vùng, đồng thời bao tiêu đầu ra cho bà con.
Tương tự, ông Lê Quang Mịnh (61 tuổi, trú xã Ngư Thủy) nuôi cá lóc từ 15 năm nay. Hiện ông có 7 ao cá với tổng diện tích 1.600 m2, gồm 3 hồ cát rộng 400 m2 mỗi hồ, 4 hồ trải bạt rộng 50 m2 mỗi hồ. Mỗi năm, ông Mịnh chỉ thả một vụ cá, những tháng mùa đông không thả do thời tiết khắc nghiệt, hay mưa bão, nhiệt độ xuống thấp nuôi không hiệu quả.
Hai tuần trước, ông Mịnh thả 60.000 con giống để nuôi vụ mới. Sau 15 năm nuôi cá lóc, ông Mịnh đúc rút kinh nghiệm: Giai đoạn mới thả giống chú ý nguồn nước, bổ sung vitamin, men... 3 tháng đầu tiên dễ bị bệnh nhất, sau đó cá lớn sức đề kháng tốt hơn. "Chi phí ban đầu của hồ cá rộng 400 m2 khoảng 30 triệu đồng, không quá tốn kém, chỉ tốn thức ăn trong vụ 300-350 triệu", ông nói.
Ông Mịnh tính toán giá cá trung bình 45.000 đồng/kg là người nuôi có lãi. Nhà ông vừa cho cá ăn bột, vừa cho ăn tôm cá tận dụng từ nguồn hải sản đánh bắt ven bờ nên chất lượng cá cao hơn, lớn nhanh hơn. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán 30 tấn cá, lợi nhuận 300 triệu đồng. Nhờ hồ cá lóc, gia đình ông dần trở nên khá giả, xây được nhà tầng khang trang.
Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc là hai xã bãi ngang, người dân đánh bắt thủy sản ven bờ, thu nhập thấp, bấp bênh do phụ thuộc thời tiết. Từ năm 2010, sau vài hộ nuôi có hiệu quả, xã Ngư Thủy Bắc đã nhân rộng mô hình. Đến nay, toàn xã có gần 200 gia đình đào hồ nuôi cá lóc. Trong đó có hàng chục hộ đầu tư phát triển nuôi 5-6 hồ với diện tích 100-300 m2 mỗi hồ.
Ông Trần Kim Trung, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc, cho hay đào ao nuôi cá lóc là thành công lớn của xã khi chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân. Chi phí đầu tư ban đầu thấp, kỹ thuật nuôi dễ áp dụng, đầu ra ổn định nên nuôi cá lóc cho thu nhập cao hơn hẳn so với đánh bắt thủy sản ven bờ. Nghề này cũng tận dụng được diện tích cát trắng vốn lâu nay bỏ hoang.
"Mỗi tấn cá cho lợi nhuận 10 triệu đồng giúp nhiều hộ dân có đời sống ổn định, vươn lên khá giàu", ông Trung nói. Sản lượng cá lóc thương phẩm hàng năm của Ngư Thủy Bắc khoảng 2.500 tấn, mang về cho xã nguồn thu 250 tỷ đồng.