Hai năm qua, huyện trung du của tỉnh Bình Định triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trên cây bưởi da xanh và dừa xiêm. Người dân trồng dừa, bưởi được hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc VietGAP. Các sản phẩm của mô hình này thiết lập chuỗi liên kết sản xuất, thu hoạch, thu mua và tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân giải bài toán đầu ra.
Đến nay, Hoài Ân xây dựng được 25 ha dừa xiêm và 45 ha bưởi da xanh theo hướng VietGAP. Trong đó, 20 ha là mô hình trồng mới cây dừa xiêm, 5 ha còn lại là thâm canh. Với mô hình thâm canh, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh. Năng suất trung bình đạt 8,35 tấn/ha/năm, vượt mục tiêu đề ra là 8 tấn/ha/năm. Tương tự, mô hình thâm canh bưởi da xanh cho năng suất trung bình 90,5 quả/cây/năm. Sản lượng là 90.500 quả mỗi năm, vượt mục tiêu 80.000 quả.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, những mô hình như trên cây dừa xiêm, bưởi da xanh tạo ra thu nhập, lợi nhuận ổn định cho nông dân. Ngoài ra, việc áp dụng VietGAP giúp bảo vệ môi trường và tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt hơn.
Trong năm 2023, Hoài Ân còn triển khai mô hình nuôi gà thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô 10.000 con. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí con giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà an toàn đồng thời cam kết bao tiêu sản phẩm.
Theo kỹ sư Trần Thúy An, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, 10.000 con gà giống được cấp theo hai đợt. Đợt một cấp 5.000 con vào đầu tháng 6 đến nay cho kết quả phát triển tốt. Tỷ lệ sống hơn 96%, khối lượng 1,7-1,8 kg mỗi con. Đợt hai vừa cấp cuối tháng 8 và đang trong quá trình đánh giá kết quả. Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ các hộ dân liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, tăng hiệu quả kinh tế so với nuôi đại trà khoảng 10%.
Thông tin từ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hoài Ân, ngoài những mô hình trên, trong năm 2023, địa phương triển khai 4 mô hình kinh tế từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ với 135 triệu đồng, gồm chăn nuôi gà thả vườn theo hướng thảo dược; nuôi cá bống tượng trong ao đất; trồng dưa lê xanh VietGAP, trồng ổi lê hữu cơ.
Địa phương đánh giá mô hình đem lại hiệu quả cao, có khả năng nhân rộng. Đơn cử như mô hình trồng dưa lê xanh VietGAP được triển khai ở xã Ân Nghĩa với một ha. Sau 5 tháng canh tác, mô hình cho lãi ròng từ 8,7-9,3 triệu đồng trên mỗi 500 m2 mỗi vụ.
Hoài Ân là huyện trung du, chủ yếu là người Kinh, Ba-Na và H're sinh sống. Kinh tế huyện dựa nhiều vào nông nghiệp, chăn nuôi. Nhiều năm qua huyện đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để thúc đẩy giao thương, thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn.
Hoài Phương