Năm 1990, chị Vi Thị Xuyến (người dân tộc Sán Chỉ, Lạng Sơn) lập gia đình với hai bàn tay trắng, phải ở trong ngôi nhà đất nhỏ ven đồi nên cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ.
Sống trong đói nghèo, vợ chồng chị mất ngủ nhiều đêm vì trăn trở, suy nghĩ phải làm sao để lo cho con cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc. Lúc đó, được một người chị dạy làm giá đỗ sạch, chị Xuyến học ngay. Lúc đầu, mỗi ngày chị làm 5 kg đỗ tương (khoảng 20 kg giá đỗ) rồi đem ra chợ bán lẻ. Sau khi trừ chi phí, chỉ đủ tiền đong gạo ăn hàng ngày.

Từ 5 triệu tiền vốn, hiện chị đã thu lời tiền triệu mỗi ngày.
Để mở rộng sản xuất, chị may mắn được Hội Phụ nữ cho vay 5 triệu đồng để mua dụng cụ, vật liệu. Có vốn, chị không quản khó khăn, thức khuya dậy sớm để làm. Khi thị trường giá đỗ có sức tiêu thụ mạnh, chị bắt đầu tìm hiểu thêm các kỹ thuật để tăng chất lượng và sản lượng cho sản phẩm của mình.
"Sau nhiều lần mày mò thử nghiệm, tôi tăng được gấp đôi sản lượng", chị Xuyến chia sẻ và cho biết để có được sản phẩm giá sạch phải chọn giống tốt, thường là đỗ tương hoặc đỗ xanh miền Bắc; nguồn nước và lá cúc tần cũng phải sạch.
Để giữ được khách hàng, chị Xuyến luôn đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên trên. Từ khu vực chế biến (nhất là phòng lạnh bảo quản giá đỗ) đến khâu lựa chọn đỗ, ngâm, ủ và chăm sóc hàng ngày đều được chị kiểm tra chặt chẽ.

Giá đỗ sạch của chị Xuyến được xuất bán tới nhiều chợ và các siêu thị.
Tuy nhiên khi sản xuất với số lượng nhiều, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chị phải chạy vạy khắp nơi tìm mối tiêu thụ. Trong tỉnh không hết, chị mở rộng sang các tỉnh lân cận và cả Hà Nội.
Tuy nhiên, khi công việc đã bắt đầu ổn định, chị bất ngờ phát hiện mình bị ung thư xương, chị đã đấu tranh để chống lại bệnh tật. Khi phải cắt đi một chân, mất phương tiện đi lại, mọi thứ trở nên khó khăn nhưng người phụ nữ này vẫn quyết tâm trở lại với nghề.
Hiện, mỗi ngày chị vẫn xuất bán khoảng 200kg giá đỗ cho các chợ và siêu thị, thu lãi hơn một triệu đồng.

Sau biến cố lớn, phải cắt một chân nhưng chị Xuyến vẫn miệt mài với công việc của mình.
Sản phẩm giá đỗ sạch đang có nhu cầu tiêu thụ khá mạnh nên chị Xuyến dự kiến mở rộng mô hình này để tạo thêm việc làm cho chị em phụ nữ trên địa bàn. Chị cũng chia sẻ cách làm giá cho nhiều chị em để họ có thêm thu nhập.
Mô hình làm giá đỗ sạch của chị được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lạng Sơn tặng giấy khen vì đã có thành tích trong phong trào phụ nữ sáng tạo năm 2015. Với nghị lực và đóng góp vào sự tiến bộ của phụ nữ, chị Vi Thị Xuyến được trao giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng nhãn hàng Ariel (Công ty P&G) và Saigon Co.op tổ chức và bình chọn.
N.L