Tại huyện Lâm Hà (vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng), anh Nguyễn Hữu Phương (29 tuổi) được biết đến là một trong những người đi tiên phong sản xuất cà phê chồn - loại cà phê hảo hạng và giá cao.
Nhận thấy ở Việt Nam, chỉ thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận như Lạc Dương, Lâm Hà trồng được cà phê arabica - thức ăn khoái khẩu của chồn, nhiều năm trước anh Phương vượt hơn 350km xuống huyện Củ Chi (TP HCM) mua về 10 con chồn (mỗi con 5 triệu đồng), nuôi thêm vài tháng rồi cho ăn quả cà phê.
“Enzyme tiết ra từ dạ dày chồn hương đã thúc đẩy quá trình lên men và các men tiêu hóa thấm qua lớp vỏ trấu của hạt cà phê. Nhờ vậy cà phê có hương vị mạnh, dìu dịu, ngai ngái rất đặc biệt so với các loại cà phê thông thường”, anh Phương chia sẻ.
Vì arabica ở Lâm Hà chỉ cho thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10, nên từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, anh Phương phải lên các xã Xuân Trường, Xuân Thọ ở Đà Lạt để mua quả cà phê cho chồn ăn, song chỉ mua đủ cho 2 ngày bởi để lâu hơn thì cà phê bị cũ, hấp hơi sẽ bị chồn chê. Kỳ công vậy nên mỗi kg hạt cà phê chồn, anh Phương bán với giá từ 800.000 - 1 triệu đồng.
Ngoài công việc kinh doanh cá nhân, anh Phương còn là Chủ nhiệm câu lạc bộ chăn nuôi trẻ huyện Lâm Hà, tập trung những bạn trẻ chí thú làm ăn và tâm huyết với nghề chăn nuôi. Hàng tháng, mỗi thành viên câu lạc bộ đóng góp 300.000 đồng để giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn về vốn. Hiện nguồn quỹ đã lên đến 100 triệu đồng, luân phiên cho các thành viên vay với chu kỳ 4 tháng, tương ứng với thời gian chăm sóc và xuất chuồng một lứa vật nuôi.
Ngoài anh Phương, trong câu lạc bộ còn có anh Nguyễn Quang Huy đang thành công với mô hình nuôi dế. Vốn là sinh viên Đại học Đà Lạt nhưng vì gia cảnh, Huy đành bỏ dở chuyện học hành xuống vùng kinh tế mới Lâm Hà kiếm sống.
Năm 2006, nghe một người ở miền Đông Nam bộ ăn nên làm ra nhờ nuôi dế, anh Huy vượt hàng trăm cây số đến trang trại dế ở huyện Củ Chi để tìm hiểu thực tế. “Người ta quá kín tiếng nên em chẳng học hỏi được nhiều, phải tiếp tục mày mò tích lũy kiến thức từ sách vở, internet… để chăm số con giống mua về”, anh Huy bày tỏ.
May mắn là đàn dế thích nghi với nơi ở mới, lớn nhanh và mắn đẻ. Anh Huy mang mẻ dế đầu tiên lên Đà Lạt để tiếp thị tại các nhà hàng, quán nhậu. Không ít nơi từ chối nhưng cuối cùng anh cũng tìm được vài ba người chịu đánh cược với món ăn lạ. Từ vài chậu nhựa nuôi dế ban đầu, anh Huy phát triển thành trại rộng 200 m2 với hàng chục chiếc lồng, mỗi lồng khoảng 4m2 chứa hàng vạn con dế.
Ban đầu chỉ nghĩ đến việc nuôi dế để bán cho người dân làm thực phẩm với giá từ 160.000 - 200.000 đồng/kg, nhưng vì trại nằm ven tỉnh lộ 725 nối TP Đà Lạt với huyện Lâm Hà - tuyến đường được nhiều đơn vị lữ hành khai thác tour du lịch, anh Huy đã quảng bá, liên kết để cơ sở nuôi dế của mình trở thành điểm tham quan.
Theo Tiền Phong