Văn bản này bao gồm con dấu "Đã phê duyệt", chữ ký "giám đốc trung tâm", nêu rõ hình thức thanh toán chuyển khoản, kèm tên tài khoản, số tài khoản và ngân hàng. Tài liệu còn dẫn "căn cứ quyết định của Sở Y tế" để yêu cầu trung tâm này chi 30% tổng số tiền ở giai đoạn đầu. Các nhân viên phát hiện tài liệu có một số thông tin sai, như tên đơn vị ban hành ở đầu góc trái là "Sở Y tế Thủ Đức", dù không có cơ quan này.
Ngày 27/3, bác sĩ Nguyễn Văn Chức, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, xác nhận đây là văn bản giả. Ông khẳng định nơi này chưa từng ban hành hay thực hiện bất kỳ giao dịch nào liên quan đến nội dung trên.
"Chưa rõ mục đích văn bản giả mạo này là gì", bác sĩ Chức nói, đồng thời khuyến cáo người dân và các đơn vị cần cảnh giác, không làm theo hướng dẫn để tránh bị lừa đảo, liên hệ với trung tâm để xác minh nếu phát hiện văn bản tương tự.

Văn bản báo giá giả mạo con dấu, chữ ký của lãnh đạo Trung tâm Y tế TP Thủ Đức.
Một tài liệu giả mạo tương tự từng xuất hiện cách đây 10 ngày, cũng sao chép con dấu và chữ ký lãnh đạo một bệnh viện ở TP Thủ Đức. Văn bản liệt kê ba danh mục, gồm giường tầng, tủ thuốc và thiết bị phơi đồ, với tổng giá trị 672 triệu đồng, kèm hình thức thanh toán chuyển khoản, thông tin và số tài khoản cá nhân, đề nghị thanh toán 30% số tiền trên.
Vài năm gần đây, nhiều bệnh viện trên cả nước rộ lên các hình thức lừa đảo như mạo danh bác sĩ bán thuốc hoặc lôi kéo bệnh nhân ra ngoài khám, giả mạo giấy tờ kêu gọi từ thiện, lập trang web hoặc Facebook giả, gọi điện phụ huynh lừa con bị "cấp cứu, chuyển tiền mới được mổ"... Một số quầy thanh toán viện phí của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng bị các đối tượng lừa đảo dán mã QR giả tại các mặt ngoài của quầy. Việc này có thể dẫn đến người nhà người bệnh chuyển nhầm tiền thanh toán viện phí vào tài khoản của các đối tượng xấu. Sau khi phát hiện các mã QR giả mạo, bệnh viện đã gỡ bỏ, đồng thời cảnh báo, hướng dẫn người dân cách thanh toán đúng.
Lê Phương