Một gái mại dâm tuổi thiếu niên ở Chiang mai. |
Coi họ là tội phạm và trục xuất về bản quán; đối xử với họ như là những nạn nhân của tệ buôn người hay lao động tự nguyện của công nghiệp tình dục đang là những vấn đề tranh cãi giữa cơ quan chính phủ với các nhóm hoạt động vì nữ quyền.
Các tổ chức vì người nhập cư ở thành phố gần biên giới với Myanmar này cho rằng bố ráp như vậy gây khó khăn cho những phụ nữ nước láng giềng tự chọn con đường làm gái mại dâm, bởi sau khi được đưa khỏi lầu xanh, cuộc sống của họ thậm chí còn tệ hơn nữa.
Họ cho rằng lực lượng đặc biệt của chính phủ chuyên chống nạn buôn người đã vi phạm quyền của phụ nữ, và đối xử với tất cả những người bán hoa như là nạn nhân. "Họ (gái mại dâm) không cảm thấy mình được cứu thoát, bởi họ bị mất nguồn sống", Hseng Noung, thành viên tổ chức hành động vì phụ nữ thiểu số Shan (SWAN) nói. "Bị bắt buộc làm việc là một chuyện, nhưng những phụ nữ này phải chọn con đường đó vì hoàn cảnh xô đẩy".
Một nghiên cứu mới đây do Mỹ tiến hành chỉ ra rằng có khoảng 8-900 nghìn người bị buôn bán qua các biên giới mỗi năm. Báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ cho hay một phần ba số nạn nhân của tệ buôn phụ nữ và trẻ em là người Đông Nam Á.
Phòng ngủ của một gái lầu xanh 15 tuổi người Hoa ở Chiang Mai. |
Tại Thái Lan, việc đối xử với phụ nữ nhập cư bị bắt trong những cuộc bố ráp nhà chứa đã được cải thiện trong những năm gần đây. Gái mại dâm đến từ Myanmar, Lào, Campuchia, nam Trung Quốc... không còn bị coi như tội phạm và dẫn giải về nước theo đường chính thức nữa. Toàn bộ 29 người trong cuộc đột kích nhà thổ nói trên đã được đưa vào một trung tâm nhân đạo của chính phủ Thái, sau đó lặng lẽ về quê hương thông qua dàn xếp của một tổ chức tư nhân. Điều đó phần nào an ủi những gái bán dâm "không muốn được cứu khỏi lầu xanh".
Tuy nhiên, hầu hết những người này không ở lại lâu ở Myanmar. Các tổ chức hoạt động xã hội Chiang Mai cho biết việc gái bán dâm trở lại nơi xưa chốn cũ là chuyện thường thấy, bởi họ phải kiếm tiền trả nợ, hoặc bởi tình cảnh ở quê nhà quá bi đát. Theo một thiện nguyện viên tên là Svasti, anh đã chứng kiến những cô gái bị bắt đi bắt lại nhiều lần ở lầu xanh.
Bên kia biên giới, viễn cảnh cuộc sống của những người phụ nữ trở về cũng đầy khắc nghiệt: SWAN đã có tài liệu và chứng cứ về việc những cô gái thiểu số Shan bị binh sĩ Myanmar hãm hiếp tập thể - tuy nhiên quân chính phủ luôn bác bỏ. Trước những nguy hiểm ấy, một số người tặc lưỡi cho rằng thà trao số phận cho những kẻ buôn người còn hơn ở lại.
(Theo CSM, Bangkok Post)