Mẹ tôi đã quyết định cho nó nghỉ học được 1 tháng rồi và cho đi lao động nhưng chỉ được 2 tuần ngoan ngoãn bây giờ nó lại không nghe lời và tiếp tục cãi láo mẹ (nó cũng rất yêu mẹ) làm mẹ suốt ngày khóc vì buồn. Tôi và bố mẹ nên làm gì bây giờ?
Trả lời:
Chào chị!
Chúng tôi rất chia sẻ với chị về cậu em trai 14 tuổi, nghịch ngợm, ngang bướng, cãi láo mẹ khiến cho cả gia đình buồn bã. Học sinh ở độ tuổi này có những khủng hoảng về tâm sinh lý, các em luôn muốn chứng tỏ mình là người lớn, khẳng định cái tôi của mình. Mặt khác, cậu em trai này cũng rất yêu mẹ (như chị nói). Vì vậy, vấn đề ở đây là cách giáo dục như thế nào đối với một học sinh ngang bướng. Chúng tôi không biết chị và gia đình đã giáo dục em trai mình như thế nào? Tuy nhiên, đối với những trẻ ngang bướng thì chị cần chú ý một số lưu ý sau đây:
- Không nên phủ nhận cái tôi của trẻ, cho rằng trẻ không làm được gì, luôn kém cỏi với những nhận xét như: đồ vô tích sự, đồ ăn bám, ngu ngỗ, dốt nát... Những lời nhận xét như vậy chỉ làm tăng tính kiêu căng, phản kháng mang tính tiêu cực từ trẻ để chứng tỏ cái tôi của mình. Vì vậy, chị nên tôn trọng cái tôi của em chị và tạo điều kiện để trẻ khẳng định cái tôi đó tốt nhất theo mục đích mình đặt ra.
- Đừng bao giờ đem trẻ khác ra để so sánh với những câu nói đại loại như "Em người ta thì như vậy, còn em mình thì như thế này" với sự đay nghiến, chỉ trích, thất vọng... thì cũng đem lại những phản ứng tiêu cực từ trẻ mà thôi, thậm trí ghét bỏ chị ("Tôi chỉ có thế thôi, làm gì thì làm"...)
- Không nên chê bai ngay những gì trẻ chưa làm được, mà trước tiên cần tìm điểm tích cực để khuyến khích, khẳng định và động viên sau đó mới góp ý nhẹ nhàng những cái trẻ chưa đạt được (theo chị chỗ này em còn thiếu một chút, nếu cố gắng sẽ hoàn thiện hơn...). Mặt khác, trẻ bướng bỉnh và nghịch cũng thường sống rất tình cảm vì vậy cần giáo dục trẻ bằng tình cảm, tình yêu thương thì sẽ tốt hơn là giáo dục bằng trừng phạt, roi vọt, đánh đập.
- Nên giao cho trẻ những công việc có tính độc lập để trẻ có điều kiện khẳng định cái tôi của mình, người lớn sẽ giám sát từ xa, khuyến khích động viên cũng như là điều chỉnh thật khéo những gì trẻ còn chưa làm được.
- Nên tạo một môi trường tích cực cho trẻ, tránh giao tiếp với những bạn bè xấu, hay lôi cuốn vào những công việc không tốt, tham gia vào những công việc của gia đình, ở nhà trường và công việc trong cộng đồng xung quanh. Thông qua các hoạt động có ý nghĩa và những người bạn tốt thì trẻ sẽ tự nhận thức lại được chính bản thân mình, sẽ chỉnh sửa mình nếu có những chia sẻ tình cảm, gần gũi từ những người xung quanh.
- Ngoài trở thành một người chị, một người giáo dục trẻ thì hãy trở thành một người bạn của trẻ. Chỉ khi là bạn thì mới có thể chia sẻ, tâm sự, đồng cảm cùng với trẻ mà thôi. Làm được việc này rất khó bởi vì nó đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và đôi khi mạnh mẽ.
Giáo dục học sinh ngang bướng cần phải có thời gian, kiên trì và vất vả. Hy vọng đây là những chia sẻ ban đầu sẽ giúp ích cho chị và gia đình.
(Thạc sĩ Trần Văn Tính, chuyên gia Trường mầm non Hoàng gia, Equest Group, tel: 04 762 4788).