Trong video sau khi chỉnh sửa chỉ còn lại các hình ảnh ấm áp, nụ cười rạng ngời của Rogers đi xuống lễ đường, bao quanh bởi bạn bè, gia đình và phong cảnh của địa điểm tổ chức hôn lễ. Video cũng giữ đoạn trích bài phát biểu của bố Rogers trong đám cưới.
"Thật khó để chấp nhận mọi thứ đã xảy ra... nhưng tôi muốn lưu giữ một số kỷ niệm nên đã yêu cầu nhóm chỉnh sửa chỉ có tôi, bạn bè và gia đình tôi trong đó", Rogers, 30 tuổi, giải thích về việc sửa lại video hôn lễ xa hoa của cô tổ chức tháng 2/2022, trên bán đảo Bellarine, phía tây nam của Melbourne.
Hiện cô mới sửa video, còn ảnh cưới vẫn chưa tìm được giải pháp xử lý phù hợp.
Olivia Molly Rogers là Hoa hậu Hoàn vũ Australia năm 2017. Cô đồng thời cũng là người mẫu nổi tiếng. Trước khi kết hôn, cô và chồng Justin McKeone đã có bốn năm bên nhau. Trước cách xử lý video cưới, nhiều người đang coi cô là "nguồn cảm hứng phá vỡ quy tắc" và viết lại kịch bản về những việc cần làm sau ly hôn.
Dù vậy, các chuyên gia tâm lý và mối quan hệ đang có những cách nhìn khác nhau về việc này.
"Những bức ảnh, video thực sự đại diện cho những gì bạn nghĩ về cuộc hôn nhân sẽ diễn ra khi bạn thề nguyền ở bên nhau mãi mãi", nhà tâm lý học lâm sàng Tamara Cavenett, ở Australia nói.
Chính vì lý do này mà lời khuyên số một của cô dành cho hầu hết khách hàng là nên đợi một thời gian trước khi quyết định vứt bỏ hoặc chỉnh sửa những lưu niệm. Đừng đưa ra quyết định sớm, thay vào đó hãy ưu tiên vượt qua đau buồn. Việc này có thể mất nhiều năm, tùy thuộc vào mức độ kỳ vọng, ước mơ và hy vọng của một người đối với cuộc hôn nhân.
Nhà tâm lý tán thành việc một người hoàn toàn có thể giữ những ký ức theo ý riêng mình. "Nhưng xét về tổng thể, điều thực sự cần nhớ là bất kể điều gì có thể xảy ra sau ngày cưới, đó vẫn là một phần cuộc sống của bạn. Nó tạo thành một phần câu chuyện và một phần hành trình của bạn trong thế giới này", Cavenett nói.
Elisabeth Shaw, Giám đốc điều hành một trung tâm trị liệu tâm lý ở Australia cho biết, tìm hiểu xem cuộc hôn nhân của mọi người tan vỡ như thế nào sẽ giúp bạn trút bỏ được sự xấu hổ và hối tiếc. Việc nhớ lại những khoảng thời gian tốt đẹp, nhìn vào những đứa con, có thể giảm bớt sự tự phán xét của mọi người.
"Rất nhiều người cảm thấy tức giận vì đã đưa ra một lựa chọn sai lầm, hoặc cảm thấy đã bị người kia lừa vào một câu chuyện cổ tích chưa bao giờ thực sự xảy ra", Elisabeth nói.
Và theo chuyên gia này, nếu phản ứng tức thời của bạn là xóa sạch người yêu cũ khỏi kỷ niệm là dấu hiệu bạn chưa "làm hòa" với chính quá khứ của mình.
"Khi nhìn lại những bức ảnh cưới sau một cuộc chia tay, đối với tôi, nó thực sự không khác gì việc nhìn lại những bức ảnh của những người đã khuất. Đó là một phần con người bạn và người quan trọng với bạn vào thời điểm đó, nếu xóa sạch cũng giống như đang vô thừa nhận bản thân vào thời điểm đó", chuyên gia nói.
Bạn có thể không muốn những bức ảnh đó ở trong nhà hay trang cá nhân (trên mạng xã hội) bởi có thể cho thấy bạn vẫn còn kết hôn, nhưng để loại bỏ người đó như thể họ không có trong đời thì không phải là việc nên làm.
Việc cắt nhỏ các bức ảnh có thể khiến bạn hài lòng, đặc biệt là trong những tình huống mà một người muốn "báo thù" hoặc họ từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhưng nó cũng không khiến người xung quanh nhìn câu chuyện của bạn với lòng trắc ẩn và cho họ bài học.
Vậy làm thế nào để bạn biết bạn đã xử lý được nỗi đau và đã đến thời điểm tốt để loại bỏ ảnh và các vật lưu niệm khác? Cavenett nói, bạn càng trung lập với mối quan hệ sẽ là một dấu hiệu tốt. Nhưng đồng thời, buồn vì điều mà bạn từng hy vọng mà nay tan vỡ, cũng là một phản ứng thực sự lành mạnh và phù hợp.
Đối với những người nhìn lại một mối quan hệ đã tan vỡ và tự đánh giá bản thân, cô khuyên hãy sống với 100% sự cố gắng. Để khi không may tan vỡ, chúng ta không bao giờ nên cảm thấy xấu hổ, hối tiếc hay phán xét bản thân vì đã cố gắng hết mình vì điều đó.
Bảo Nhiên (Theo SMH)