Dù vợ chồng chia sẻ không gian trong nhiều năm, bất đồng về phân công lao động trong gia đình vẫn có thể nảy sinh, đặc biệt khi một trong hai cảm thấy người kia không chăm chỉ, tệ hơn là lười.
Khi có hàng đống đồ giặt, bát đĩa tràn từ bồn rửa sang mặt bàn, lũ trẻ cần tắm và có vẻ như hàng trăm thứ khác cần được dọn dẹp, không có gì ngạc nhiên khi bạn nổi đóa vì có vẻ phải làm hết việc, trong khi bạn đời thì không.
Vậy, bạn sẽ làm gì nếu thấy mình nghĩ rằng chồng hoặc vợ mình lười biếng?
Hãy tôn trọng
Tiến sĩ, nhà tâm lý học Cortney S. Warren cho biết, chia sẻ cảm nhận của bạn với bạn đời một cách trung thực nhưng tôn trọng luôn rất hữu ích.
"Sử dụng câu nói bắt đầu bằng từ ''tôi'' thay vì đổ lỗi cho bạn đời là lười biếng, tồi tệ hoặc vô cảm. Hãy nói ra cảm giác của bạn, lắng nghe tích cực và đưa ra đề xuất khả quan trong tương lai'', ông nói.
Luôn tiếp cận bạn đời với một cái đầu lạnh. Nếu vợ/chồng không giúp dọn dẹp nhà bếp sau bữa ăn và việc đó đến tay bạn, Warren khuyên nói những điều như ''Anh thực sự muốn em giúp dọn dẹp sau bữa ăn. Anh thấy khó chịu khi em không giúp anh. Em có sẵn sàng giúp anh không?''.
Nên nói thẳng thắn nhưng tử tế và ân cần, tránh nói với thái độ hung hăng, như miệng than ''được giúp đỡ tốt biết mấy'', tay khua chén đĩa kêu lanh canh và đóng sầm cửa tủ.
Quan trọng nữa là phải chọn được thời gian để trao đổi với bạn đời. Nếu thấy người đó mệt khi cho bọn trẻ đi ngủ, có lẽ không phải thời điểm tốt để nói về việc hôm nay họ bỏ bê việc nhà thế nào.
Tiến sĩ Kathryn Smerling, nhà trị liệu gia đình tại New York khuyên, bạn nên thông báo với bạn đời thời điểm muốn có cuộc trò chuyện, trước khi để mọi thứ vượt tầm kiểm soát. "Hãy tập trung giải quyết vấn đề, đừng trút giận'', ông nói.
Liệt kê và bày tỏ lòng biết ơn
Thay vì chỉ tập trung vào những điều tiêu cực bạn cảm nhận được, hãy nhìn nhận một cách trung thực những gì vợ/chồng bạn làm và cảm ơn họ vì những điều nhỏ bị bỏ qua. Rất có thể, bạn sẽ nhận ra rằng họ đang làm khá nhiều điều không được chú ý.
''Rất dễ tập trung vào những khó chịu của mối quan hệ lúc bạn căng thẳng. Hãy nhớ, ghi lại những điều bạn đời làm tốt. Điều đó không chỉ khiến bạn, vợ/chồng thấy được trân trọng và yêu thương mà còn giúp xây dựng sự tích cực trong mối quan hệ'', Warren nói.
Xem xét lại nhận định của bạn
Hiểu được kỳ vọng của bạn dành cho bạn đời ở mức nào là chìa khóa vượt qua các vấn đề. Hãy nhớ lại thời thơ ấu của bạn. Ai đã làm gì và các công việc gia đình được phân chia thế nào?
''Nếu các cặp vợ chồng ngồi xuống và nói chuyện về phân công lao động, tôi nghĩ họ sẽ thấy việc phân chia trách nhiệm gia đình dễ dàng hơn'', chuyên gia Warren nói.
Theo Warren, việc tự hỏi bản thân một số câu cơ bản có thể giúp vượt qua thái độ không có trong tiềm thức và phản ứng hợp lý hơn. Hãy tự hỏi bản thân ''Hành vi của tôi có cực đoan không? Tôi có đang bác bỏ những gì bạn đời đang làm không? Tôi có thể thay đổi suy nghĩ của mình để tích cực và chính xác hơn không?'', ông khuyên,
Tìm mạng lưới hỗ trợ
Thói quen mới cần thời gian để hình thành. Khi thấy thất vọng, thay vì để mình kiệt sức, căng thẳng, hãy tìm đến bạn bè hoặc người thân để trút tâm sự.
Đôi khi có những điều bạn và bạn đời không đồng ý vì đối phương không muốn thay đổi. Việc tiếp tục đấu tranh cùng về một chủ đề không thay đổi được sẽ khiến bạn căng thẳng và bất hòa hơn.
Nhận trợ giúp
Một cuộc chiến hoặc sự bất đồng có thể kéo dài đến mức không thể thảo luận được. Cảm xúc chưa được giải quyết tích tụ sẽ khiến bạn từ chối lắng nghe hoặc quá mệt mỏi vì những lời phàn nàn của mình lặp đi lặp lại đến độ bị bỏ ngoài tai. Tìm nhà trị liệu giỏi là cách giải quyết hiệu quả nhất nếu bạn không còn lựa chọn nào khả quan hơn.
Hơn bất cứ điều gì khác, giao tiếp cởi mở, trung thực, công bằng là chìa khóa. Hãy ngồi xuống với bạn đời, liệt kê những điều quan trọng với mỗi người, sau đó tìm cách công bằng để cả hai đạt được mục tiêu.
Nhật Minh (Theo Fatherly)