Theo như bạn trình bày, chúng tôi nhận thấy thiếu một số thông tin như: trước đây mẹ chồng bạn cho mượn đất hay tặng cho vợ chồng bạn thửa đất để xây nhà? Giao dịch đó có được lập thành văn bản, có được công chứng, chứng thực hay không? Thời điểm giao dịch thì thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa? Hiện tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ai, cấp khi nào?...
Do vậy, rất khó để chúng tôi tư vấn cho bạn trong trường hợp này.
Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số trường hợp, thông tin dưới đây để có hướng giải quyết phù hợp.
Trường hợp thứ nhất, mẹ chồng bạn tặng cho vợ chồng bạn thửa đất.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 (có hiệu lực từ ngày 15/10/1993 đến ngày 30/6/2004) là luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm tặng cho thì việc tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành hợp đồng, được chứng nhận hoặc công chứng bởi cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, bên nhận tặng cho phải làm thủ tục đăng ký trước bạ sang tên theo quy định (nay là thủ tục đăng ký biến động). Việc tặng cho quyền sử dụng đất nhưng chỉ là tặng cho miệng thì giao dịch này có thể bị tòa án tuyên vô hiệu (không có hiệu lực pháp luật).
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Với quy định nói trên, nếu bạn phải trả lại thửa đất cho mẹ chồng thì mẹ chồng bạn phải thanh toán cho bạn giá trị một phần hai ngôi nhà (phần tài sản riêng của bạn trong khối tài sản chung vợ chồng) và phần giá trị mà mẹ con bạn được thừa kế đối với di sản (là một phần hai ngôi nhà) mà chồng bạn để lại.
Tuy nhiên, khi giải quyết, tòa án phải xem xét trong mối quan hệ tổng thể bởi trong trường hợp của bạn thì quyền sử dụng đất gắn liền với quyền sở hữu nhà.
Do vậy, trường hợp xét thấy mẹ con bạn không có chỗ ở nào khác trong khi mẹ chồng bạn vẫn còn chỗ ở khác thì bạn có thể được xem xét, được giao sở hữu ngôi nhà gắn liền với quyền sử dụng đất nhưng phải trả bằng tiền giá trị quyền sử dụng đất cho mẹ chồng bạn.
Trường hợp thứ hai, các bên thỏa thuận việc cho mượn đất có thời hạn hoặc không thời hạn để xây nhà.
Trường hợp này thì đến khi hết thời hạn mượn đất hoặc bấy kỳ khi nào (nếu các bên không thỏa thuận thời hạn) thì mẹ chồng bạn có quyền đòi lại đất. Cũng tương tự như trường hợp trên, nếu xét thấy mẹ con bạn không có chỗ ở nào khác thì có thể được xem xét để bạn trả bằng tiền giá trị quyền sử dụng đất cho mẹ chồng bạn.
Đối với ngôi nhà, theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, ngôi nhà này do vợ chồng bạn bỏ tiền ra xây nên được xác định là tài sản chung của vợ chồng bạn. Nay chồng bạn đã mất thì phần tài sản của chồng bạn (một phần hai ngôi nhà) được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Trường hợp chồng bạn để lại di chúc thì di sản thừa kế được giải quyết theo di chúc. Trường hợp không có di chúc hoặc di chúc được xác định không hợp pháp thì di sản thừa kế được chia theo pháp luật (chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất của người chết gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết).
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội