Một nghiên cứu khác đăng trên Thư viện y khoa quốc gia Mỹ ghi nhận nhiều người rất coi trọng mối quan hệ với bố mẹ chồng và coi đó là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống hôn nhân của họ.
Điều này cho thấy mối quan hệ lành mạnh với gia đình chồng là nền tảng cho sự hòa hợp trong hôn nhân và hạnh phúc chung của gia đình. Động lực này thường bị đánh giá thấp, nhưng tác động của nó đối với tuổi thọ và chất lượng của một cuộc hôn nhân không hề nhỏ.
Gia đình chồng có thể có tác động đáng kể đến hôn nhân, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Sự hỗ trợ tinh thần và vật chất
Có bố mẹ chồng ủng hộ có thể mang lại sự hỗ trợ về mặt tinh thần cho các cặp vợ chồng trẻ trong những thời điểm khó khăn. Trong một số trường hợp, bố mẹ chồng có thể hỗ trợ tài chính cho các con.
Khi một cặp vợ chồng duy trì mối quan hệ tích cực với gia đình chồng, họ sẽ kết nối với những người thân thực sự quan tâm đến hạnh phúc của họ. Cảm giác được chia sẻ các giá trị này tạo ra sự gắn kết mở rộng, làm phong phú thêm trải nghiệm hôn nhân.
Mối quan hệ hài hòa với bố mẹ chồng có thể có tác động tích cực sâu sắc đến việc nuôi dạy con cái. Khi có sự tham gia của ông bà và các thành viên khác trong đại gia đình, trẻ em sẽ nhận được nhiều tình yêu thương, sự quan tâm và những quan điểm đa dạng hơn. Ông bà có thể đóng vai trò là tấm gương, người cố vấn và nguồn trí tuệ, làm phong phú thêm sự phát triển của trẻ.
Ngoài ra, trẻ em được hưởng lợi từ việc quan sát những tương tác lành mạnh giữa cha mẹ và ông bà, học được những bài học quý giá về sự tôn trọng, giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ bền chặt.
Sự xung đột và căng thẳng
Bên cạnh những điểm tích cực, mối quan hệ căng thẳng với nhà chồng thường dẫn đến căng thẳng, hiểu lầm, mâu thuẫn giữa vợ chồng.
Mâu thuẫn với nhà chồng có thể tạo ra căng thẳng trong hôn nhân. Xung đột xuất hiện, khi cha mẹ và con cái không tìm thấy tiếng nói chung trong mọi vấn đề từ quan điểm, truyền thống gia đình, tôn giáo, kỳ vọng. Cha mẹ chồng cũng có thể chỉ trích con, tạo ra cảm giác căng thẳng và tổn thương.
Sự can thiệp
Cha mẹ chồng có thể có can thiệp vào các quyết định của hai con, đặc biệt khi liên quan đến các sự kiện lớn trong đời như sinh con hoặc mua nhà. Họ thậm chí có thể cố gắng can thiệp vào mối quan hệ của con bằng cách đưa ra những lời khuyên không được chào đón hoặc cố gắng kiểm soát các quyết định của con.
Lời khuyên để thiết lập ranh giới lành mạnh với bố mẹ chồng
Cố gắng hiểu, tôn trọng bố mẹ chồng
Hiểu và tôn trọng lối sống riêng của gia đình chồng có thể khiến họ cảm thấy được đề cao và nhờ vậy, khuyến khích họ yêu mến, đón chào thành viên mới nhiều hơn. Đừng đề cao cá nhân đến mức bỏ qua quan điểm, thói quen sinh hoạt của gia đình chồng. Bạn có thể bắt đầu bằng việc trân trọng những điều nhỏ nhặt, ví dụ nếu mẹ chồng làm món dưa chua ngon, hãy trân trọng điều đó. Nếu bố chồng bạn có khiếu hài hước, hãy cho ông biết bạn đánh giá cao điều đó. Việc tìm kiếm và thừa nhận những điều nhỏ nhặt giúp gắn kết gia đình và tạo ra niềm vui, sự hòa thuận.
Duy trì mối quan hệ hòa hợp với bố mẹ chồng không chỉ là điều cần thiết, nó còn ảnh hưởng đến chất lượng thời gian và giao tiếp mà bạn có với bạn đời của mình.
Giao tiếp cởi mở
Thay vì giữ im lặng hoặc tỏ ra nóng nảy một cách thái quá khi chạm tự ái, nên cố gắng giao tiếp cởi mở để tìm tiếng nói chung với gia đình chồng. Thái độ cầu thị, lắng nghe sẽ giúp bạn dễ được đón nhận hơn là khăng khăng bảo vệ quan điểm riêng và để xung đột leo thang.
Giao tiếp cởi mở với bố mẹ chồng là chìa khóa để thiết lập những ranh giới lành mạnh. Hãy trung thực về nhu cầu và mong đợi của bạn, đồng thời lắng nghe những mối quan tâm của họ.
Không đặt kỳ vọng vô lý
Dù bạn có những mong đợi về gia đình chồng nhưng khi bạn đưa ra những kỳ vọng quá vô lý, bạn sẽ gây rắc rối cho chính bản thân lẫn những người thân của chồng. Cần hiểu họ không phải cha mẹ bạn và không thể nào đáp ứng mọi mong muốn của bạn. Điều này hoàn toàn khác với việc đặt ra những kỳ vọng rõ ràng, hợp lý từ cả hai phía để được lắng nghe và tôn trọng.
Thùy Linh (Theo Marriage)