Để tìm lại được con đẻ, bạn có thể liên hệ với Bệnh viện đa khoa huyện nơi bạn sinh bé để đề nghị phối hợp tìm kiếm đứa con thất lạc, nghi vấn bị trao nhầm. Khi đó, bệnh viện sẽ có trách nhiệm tìm kiếm hồ sơ bệnh án còn lưu trữ để xác minh thông tin về các bé được sinh ra thời điểm đó.
Trong trường hợp em bé bị trao nhầm cần xác định yếu tố lỗi là lỗi cố ý hay vô ý để xác định trách nhiệm pháp lý của cá nhân, tổ chức có liên quan như sau:
Nếu là hành vi do lỗi cố ý thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, theo quy định tại Điều 120 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi năm 2009. Theo đó, người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm sẽ bị phạt tù từ ba năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm. (Hành vi xảy ra vào năm 2010 nên sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật Hình sự 1999).
Nếu hành vi trao nhầm con là do lỗi vô ý thì tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, ở đây Bệnh viện đa khoa huyện nơi các cháu sinh ra là cơ quan có trách nhiệm quản lý đối với trẻ sơ sinh trong quá trình sinh tại bệnh viện thì Bệnh viện đa khoa huyện phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với cả hai gia đình theo Bộ luật Dân sự năm 2005 (Hành vi xảy ra vào năm 2010 nên sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự 1999) như sau:
Điều 619: Bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra
Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ.
Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ.
Theo quy định nói trên, trước hết, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho hai gia đình bị trao nhầm con, sau đó, bệnh viện có thể yêu cầu nhân viên y tế (bác sĩ đỡ đẻ, hộ lý, y tá...) có lỗi trong việc này hoàn trả tiền cho bệnh viện theo quy định.
Trong trường hợp việc trao nhầm con đã ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của các gia đình bị trao nhầm con nên thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm sẽ được tính theo quy định tại Điều 611 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
Điều 611: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội