Lúc đầu, hai người làm cùng công ty, lại xa nhà, thấy chị khó khăn, bị chồng đánh đập, anh đã giúp từ vật chất đến tinh thần. Lâu dần họ nảy sinh tình cảm. Chị đã ly dị, dẫn hai đứa con đi theo anh khắp nơi từ Bắc vào Nam. Hai người sống với nhau được hơn bảy năm. Cho đến khi mẹ anh ấy biết và ra sức ngăn cản, anh đã chia tay. Tuy nhiên, chị ấy luôn níu kéo.
Lúc gặp em, anh mới chia tay chị ấy được khoảng sáu tháng. Rồi chị ấy chủ động liên lạc với em, kể cho em nghe mọi chuyện và bảo chị ấy chấp nhận làm người thứ ba. Em yêu anh ấy, em phải chấp nhận chị ấy sáu tháng nữa thôi vì chị ấy sắp đi Mỹ, chị sẽ trả lại anh cho em.
Đương nhiên em không chấp nhận, em đã nói chuyện với anh ấy. Anh thú nhận có liên lạc với chị trong khoảng thời gian quen em, nhưng chỉ dừng lại mức độ hỏi thăm vì cuộc sống của chị quá khó khăn và chị đang bị ung thư.
Cuối cùng, anh ấy chia tay em, quay về với chị ấy vì chị đang ung thư giai đoạn cuối. Em muốn nhờ chuyên gia tư vấn: Em nên quên anh ấy đi hay bảo anh ấy em sẽ chờ? (Thảo)
Chào bạn,
Tình yêu là cái gì đó mà đến nay đã tốn hàng triệu trang giấy nhưng con người vẫn không cho ra được một định nghĩa, vì thế ai thích định nghĩa thế nào thì nó ra thế đấy. Theo nguyên tắc sinh lý thì nam phải lớn tuổi hơn nữ mới duy trì được tình cảm, nhưng cũng có những cặp tình nhân nữ hơn nam cả con giáp. Đây là vấn đề ngoài nhận thức tâm lý thông thường vì thế những cặp tình nhân mà nữ hơn nam cả chục tuổi đa phần bị lên án đến mức xã hội dùng cụm từ “phi công trẻ lái máy bay bà già”.
Trong trường hợp người yêu của bạn, ở đấy không đơn giản chỉ là tình yêu đôi lứa mà là cái gì đó sâu đậm hơn. Khi thấy chị kia bị chồng đánh đập, khổ sở, anh ta đã thương cảm và tình thương đấy đã lớn lên thành lý tưởng sống nên anh ấy giúp chị kia “từ vật chất đến tinh thần”. Rồi chị kia “ly dị chồng” còn anh đã sẵn sàng “dẫn hai đứa con riêng của chị theo anh đi khắp nơi từ Bắc vào Nam” thể hiện tấm lòng với tinh thần mà ở đấy không thể lý giải theo nhận thức tình yêu thông thường. Ở đấy chưa phải là tình yêu lý tưởng vì chưa thấy biểu hiện tư tưởng mà chỉ biểu hiện cuộc sống.
Khi anh bị gia đình “ra sức ngăn cản” và “vì thương mẹ, không muốn cho mẹ buồn nên anh đã chia tay chị ấy”. Như vậy chia tay với chị ấy, anh đã dùng ý chí để thực hiện, nhưng tình cảm của họ quá lớn nên không thể nào vượt qua được. Đến nay, anh ấy đã trở lại với chị ấy và chị ấy đang bị ung thư thì tình cảm đã đụng đến “nghĩa tử là nghĩa tận” nên càng khó sử dụng ý chí để thay đổi.
Bạn đã rơi vào hoàn cảnh mà ở đấy anh ấy là người không thể dứt tình với người kia, nhất là lúc này chị ấy đang bị ung thư. Cách xử lý không nên liên lạc với anh ấy là đúng.
Bạn nên quên anh ấy đi vì sự chờ đợi người kia chết đi để mình đến với anh ấy là điều mất đạo đức. Hành động níu kéo anh ấy của chị không phải là ích kỷ mà vì cuộc sống đã làm nên tình cảm của họ mà chúng ta đứng ngoài không hiểu. Họ cũng không đấu tranh đến mức quyết liệt nên chị ấy “chấp nhận làm người thứ ba” cơ mà.
Chúc bạn vượt qua.
GS.TS. Vũ Gia Hiền
Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TP HCM