Bác sĩ tâm lý học Cynthia Langtiw, phó giáo sư trường Tâm lý học chuyên nghiệp Chicago, Mỹ cho biết trẻ nhỏ thường tập trung tình yêu vào gia đình, nhưng đến tuổi mẫu giáo chúng dần hình thành mối quan hệ bên ngoài và có thể nảy sinh tình cảm với bạn cùng lớp.
Đây là cột mốc phát triển cảm xúc quan trọng. Việc "phải lòng" giúp trẻ học cách cảm nhận sự hấp dẫn, tôn trọng quyền riêng tư và hiểu hơn về các mối quan hệ xã hội.
Tùy độ tuổi, chuyên gia chỉ ra những dấu hiệu cho thấy con bạn có "crush" như sau:
Từ 6-9 tuổi:
- Thường xuyên nhắc đến tên một bạn cùng lớp.
- Tỏ ra hào hứng khi chơi chung hoặc nói chuyện với bạn đó.
- Quan tâm đến những sở thích mới giống người mình thích.
Từ 10-13 tuổi
- Bắt đầu có cảm xúc sâu sắc hơn do ảnh hưởng của giai đoạn dậy thì.
- Tò mò về chuyện hẹn hò, nụ hôn đầu.
- Tìm cách được ở cạnh bạn mình thích nhiều hơn.
Từ 13-15 tuổi
- Thể hiện mong muốn trở nên thu hút trong mắt người mình thích.
- Chủ động hơn trong việc chia sẻ về tình cảm.
- Theo dõi hoặc bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh, video, câu chuyện về tình yêu, tình bạn, các cặp đôi, mối quan hệ lãng mạn trên mạng xã hội.

Ảnh minh họa: Teen Vogue
Thay vì né tránh hoặc phản ứng tiêu cực, các chuyên gia khuyên phụ huynh nên tiếp cận chủ đề này một cách cởi mở và tích cực.
Lauren Cook-McKay, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Mỹ, cho biết khi trẻ nói đang thích ai đó, cha mẹ hãy thể hiện sự quan tâm, đừng coi đó là chuyện trẻ con. Điều này giúp con thấy được lắng nghe và tin tưởng hơn ở cha mẹ.
Hãy hỏi con bạn thích gì ở người đó, nhưng không ép buộc hay trêu chọc. Điều quan trọng là để trẻ tự khám phá cảm xúc của mình trong môi trường an toàn.
Trò chuyện một cách thoải mái
Cha mẹ không nên thúc ép, nhưng hãy bắt đầu bằng những câu hỏi chung chung và làm theo sự dẫn dắt của con. Ví dụ, nếu trẻ nói chúng có bạn gái hoặc bạn trai, hãy hỏi con điều đó có ý nghĩa gì với chúng.
Cố gắng không cười khi con nói hoặc gạt bỏ cảm xúc của chúng. "Bạn có thể nói, 'Mẹ thấy dạo này con hay đi chơi với bạn A. Con có cảm thấy khác lạ khi ở gần bạn ấy không?'", chuyên gia gợi ý.
Xác định xem có phải con bạn và đối phương thích nhau không
Giả sử con bạn thích ai đó trong lớp, hãy hỏi con xem có nghĩ đối phương cũng thích bé không.
Nếu câu trả lời là không, hãy giải thích quan trọng là phải tôn trọng cảm xúc của người kia. Bạn có thể nói: "Mẹ biết con thích A nhưng không nên cố gắng ép bạn thích con. Làm vậy có thể khiến bạn không thoải mái. Đó cũng không phải cách người bạn thực sự nên làm".
Tương tự, nếu ai đó thích con nhưng con bạn không có tình cảm, hãy khuyên trẻ từ chối một cách tôn trọng và nhẹ nhàng. Nói với trẻ, hành động và cảm xúc của con như vậy là bình thường.
Đặt ranh giới
Một số trẻ khi rung động có thể muốn nắm tay hoặc hôn má. Nhiều chuyên gia thường cho rằng những hành vi thể chất này không liên quan đến tình dục ở độ tuổi này.
Tuy nhiên, cha mẹ cần phải nói với con về ranh giới. "Bạn có thể nói với con chơi cùng nhau được, nhưng không được hôn nhau", tiến sĩ Langtiw nói.
Chữa lành những tổn thương
Những cơn say nắng ban đầu thường không kéo dài lâu. Hầu hết trẻ đều nhanh chóng vượt qua. Tất nhiên, con bạn vẫn có thể bị tổn thương nếu một người bạn cùng lớp nói không muốn là "bạn gái" hoặc "bạn trai" của con nữa.
Khi đó, phó giáo sư, tiến sĩ Kristin Lagattuta, chuyên gia tâm lý phát triển Đại học California, Mỹ, gợi ý hãy hỏi con xem chúng cảm thấy thế nào.
Tiếp theo, bạn hãy chỉ ra những phẩm chất tốt của trẻ và những người bạn khác mà con đang có.
Cha mẹ có thể kể một số trải nghiệm thời thơ ấu của mình để con bạn nhận ra những gì chúng đang trải qua hoàn toàn bình thường.
Nhật Minh (Theo Parents)