Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 1, Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, việc con rể của ông đánh đập, xâm hại sức khỏe của người vợ có thể được xem là hành vi bạo lực gia đình. Con gái ông là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Để giải quyết tình trạng này, trước hết, ông nên gặp mặt, nói chuyện thẳng thắn với con rể, yêu cầu chấm dứt hành vi bạo lực với vợ.
Nếu người này vẫn tái diễn hành vi bạo hành và việc này đe dọa đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần của nạn nhân, ông nên báo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương như: công an nơi gần nhất hoặc UBND xã, phường; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại nơi vợ chồng con gái ông sinh sống, để họ can thiệp, ngăn chặn, bảo vệ kịp thời.
Ngoài ra, ông cũng nên cân nhắc việc khuyên con ly hôn, bởi lúc này mục đích hôn nhân của vợ chồng cô ấy không đạt được.
Ông không được quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn cho con gái nếu con ông vẫn đủ tỉnh táo, nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
Theo đó, Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, những người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn gồm:
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa giải quyết ly hôn.
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Đồng thời, là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Căn cứ quy định trên, vợ chồng ông hay người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa giải quyết ly hôn cho con gái khi đáp ứng đầy đủ 2 điều kiện:
- Con gái ông bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
- Con gái ông là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty luật TNHH MTV Ta Pha