Theo dõi người khác chưa bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Tong trường hợp nếu hành vi này nhằm mục đích xúc phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của người khác thì tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt vi phạm hành chính
Theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021, người nào có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Đối với hành vi đọc trộm tin nhắn trên các mạng xã hội của tổ chức mà vợ bạn thuê người theo dõi, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định: "Người nào thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng; nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; thu giữ thư, điện báo, điện tín trái pháp luật... có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng"

Việc vợ cũ anh Hải thuê người đọc trộm tin nhắn có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh: Bình Minh
Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Tùy vào loại hành vi cấu thành nên loại tội phạm nào thì người có hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo một trong số các tội sau:
Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 158 Bộ luật hình sự 2015). Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm với các trường hợp:
- Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;
- Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;
- Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
- Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;
- Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác mà đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nêu trên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017): Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, người có hành vi vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội