Khoản 3 Điều 30 Luật giao thông đường bộ 2008 nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. Hành vi này theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) bị xử phạt từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Cũng theo Điều 6 nói trên thì hành vi điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà thì bị phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Về hình phạt bổ sung, các vi phạm nói trên không thuộc trường hợp bị áp dụng hình phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe.
Về việc khiếu nại, theo khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội