Theo nội dung bạn trình bày, việc nhà kế bên tự ý cắt tường nhà bạn để cài tôn chống thấm là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn đối với chất lượng công trình. Không những thế, công trình có nguy cơ gây sập đổ, đe dọa sức khỏe, tính mạng của các thành viên gia đình bạn.
Trên thực tế có nhiều cách chống thấm tường giáp ranh hiệu quả mà không cần phải cắt xẻ tường. Do vậy, chủ nhà kế bên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với thiệt hại họ gây ra.
Theo khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Để giải quyết tranh chấp, bạn cần trao đổi, thống nhất cách thức, chi phí sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu của bức tường. Thông thường, trong trường hợp này chủ nhà kế bên tháo dỡ phần tôn chống thấm và xây trát lại phần tường đã bị cắt xẻ.
Trên thực tế chất lượng công trình sẽ không thể như ban đầu nhưng đây có thể là giải pháp khả thi về mặt thi công cũng như chi phí sửa chữa. Sau khi đã khôi phục lại bức tường thì các bên thống nhất biện pháp chống chấm phù hợp giữa hai nhà.
Theo tập quán, nhà xây sau phải chịu các chi phí chống thấm bởi phần tường giáp nhau của nhà họ không được trát vữa cũng như lăn sơn chống thấm nên khả năng bị thấm là rất cao, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng công trình. Tuy nhiên, các bên vẫn có thể thỏa thuận cùng chịu chi phí chống thấm theo tỷ lệ 50/50.
Trường hợp thương lượng không đạt kết quả thì bạn có thể gửi đơn đến cơ quan công an có thẩm quyền để xem xét trách nhiệm hành chính về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản đối với chủ nhà liền kề.
Thông thường, cơ quan công an sẽ hòa giải để các bên giải quyết vụ việc một cách có tình có lý. Đối với hành vi làm hư hỏng tài sản của chủ nhà liền kề thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại tiết a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP với mức xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.
Trường hợp tại cơ quan công an cũng không hòa giải được thì bạn có thể khởi kiện vụ án dân sự về đòi bồi thường thiệt hại tài sản. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc kiện tụng sẽ kéo dài, tốn kém nhiều công sức, chi phí. Do vậy, bạn nên cân nhắc khi lựa chọn phương án này.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội