Bé đi nhà trẻ từ 18 tháng tuổi, khá ngoan và thích nghi rất nhanh. Nhưng càng lớn, cháu càng không nghe lời bố mẹ. Ở trường, theo như các cô giáo nói cháu cũng hay dỗi, mè nheo, nhưng cô nói là nghe, ăn uống, ngủ nghỉ rất ngoan. Trong khi ở nhà mỗi giờ ăn là giờ tra tấn của bố mẹ, lúc nào bé cũng như đặc ruột, ăn xong rồi phun ra hết. Thực sự chúng tôi không biết làm thế nào để dạy được cháu nữa.
Trả lời
Bé của chị thể hiện khá rõ thái độ phân biệt của mình với những người xung quanh. Bé cũng đã biết "thân phận” mình như thế nào trong những hoàn cảnh khác nhau nên có có cách ứng xử khác biệt rõ rệt: ở lớp khá ngoan, ở nhà thì khác hẳn.
Ở nhà, chị cần xem xét kỹ hơn những tình huống đưa bé đến việc ném đồ, đánh bố mẹ… để tránh các nguyên nhân gây ra hành vi đó. Khi cảm nhận bé sắp làm thế, chị chuyển hướng yêu cầu… Chị làm liên tục được việc này thì hành vi thô bạo của bé sẽ dần được quên đi, không củng cố thường xuyên nữa.
Ngoài ra lúc bé đang tức giận thì chắc chắn sẽ không nghe giải thích. Sau khi đã vui trở lại, chị phân tích lại thái độ, việc làm của con bằng những câu đơn giản và ngắn gọn.
Ngoài ra, chị có thể sử dụng một số hình phạt phù hợp khi trẻ phạm lỗi và hình phạt này được “cam kết” trong những lúc bé ngoan ngoãn. Gia đình cần luôn khen những việc làm tốt của bé, củng cố ngay, để chúng được lặp lại và điều này giúp đẩy lùi hành vi xấu.
Còn về chuyện ăn uống, anh chị đừng quá tạo áp lực cho bé, và cho cả gia đình. Tại sao bé không được ăn những gì bé thích và vào lúc mà bé muốn? Thí dụ, cháu của tôi, 4 tuổi có thể không thích ăn cơm vào lúc cả nhà dùng bữa, chúng tôi cũng không ép, nhưng cháu ăn bánh mỳ sữa vào lúc 9 giờ tối. Cháu vẫn rất khỏe mạnh và cũng vì thế không có tính cáu bẳn. Tính cáu bẳn của trẻ nhiều khi sinh ra do người lớn luôn muốn ép nó vào khuôn khổ định sẵn của mình.
Chúc gia đình chị thành công!
(Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, Chuyên gia Trường Mầm non Hoàng Gia. Điện thoại: 04 7624788).