Khoảng thời gian cuối năm, một số người dễ cảm thấy buồn bã, tâm trạng thay đổi thất thường.
"Chúng tôi không có con số cụ thể, nhưng theo quan sát, khách hàng của chúng tôi có xu hướng ủ rũ hoặc cảm thấy buồn bã hơn vào cuối năm. Điều này có thể do những lễ hội và nội dung vui vẻ tràn lan. Một số người cảm thấy lạc lõng, cô đơn và không có nhiều sự hỗ trợ đến từ xã hội, gia đình. Do đó, cuối năm thường ảnh hưởng đến họ nặng nề hơn", Andrea Chan, trợ lý giám đốc của TOUCH Mental Wellness, cho biết.
Các chuyên gia đề xuất một số phương pháp nhằm giảm cảm giác này trong thời điểm kết thúc năm cũ.
Theo tiến sĩ Ivy Lim, giám đốc kiêm chuyên gia tư vấn cấp cao của Khoa Thể thao và Y học Thể dục, Bệnh viện Đa khoa Changi, tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. Tập luyện làm giảm nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm. Ở những người có vấn đề tâm lý, hoạt động thể chất giúp làm giảm các triệu chứng nói chung.
"Tập thể dục cũng giúp giảm đau, giúp các hóa chất khác nhau trong não hoạt động đồng bộ", bà nói. Các chất này bao gồm dopamine và serotonin - chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện tâm trạng. Tập luyện kích thích cơ thể sản sinh các loại thuốc giảm đau tự nhiên như beta-endorphin và endocannabinoids.
Lợi ích khác của việc tập thể dục là giảm mức độ căng thẳng. Quá trình vận động làm tăng nhịp tim, kích thích não bộ sản xuất các hormone thần kinh như norepinephrine.
"Các hormone thần kinh không chỉ cải thiện tâm trạng mà còn cả nhận thức, vốn bị các sự kiện căng thẳng tác động. Tập thể dục cũng buộc các hệ thống thần kinh trung ương và giao cảm của cơ thể giao tiếp với nhau, cải thiện khả năng tổng thể", tiến sĩ Lim.
Hiện nay, các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa các chứng viêm và bệnh trầm cảm. Hoạt động thường xuyên có thể làm giảm triệu chứng viêm, giúp cải thiện tâm trạng. Chứng viêm cũng là tiền thân của những loại bệnh như tiểu đường tuýp 2, hen suyễn, viêm khớp dạng thấp và một số dạng ung thư nếu không được kiểm soát.
Rachel Soh, nhà vật lý trị liệu tại Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Tan Tock Seng cho biết các bài tập aerobic như chạy, xe đạp, bơi lội, những bài tập cân bằng phối hợp như yoga, khiêu vũ, thái cực quyền đều đem lại lợi ích sức khỏe tinh thần. Trong đó, yoga và bơi lội giúp cải thiện cảm giác tức giận, bối rối, căng thẳng và trầm cảm.
Theo tiến sĩ Lim, mỗi người cần tìm bài tập yêu thích, phù hợp, có thể thực hiện hàng ngày và duy trì trong thời gian dài. Khi sức chịu đựng tốt hơn, người tập có thể tăng cường độ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời gian tập luyện lý tưởng cho mỗi người là 150 phút mỗi tuần.
"Nếu bạn gặp khó khăn và dễ nản chí, hãy thử chạy bộ hoặc đi bộ 30 phút mỗi ngày. Đó đã là bước tiến lớn. Điều quan trọng nhất là bạn phải thích thú với việc đó. Tôi khuyên bạn nên bắt đầu với cường độ thấp và tăng dần thời gian bất cứ khi nào cảm thấy sẵn sàng", Victoria Tymosiewicz, đại sứ của Beyond The Label, cho biết.
Theo Hướng dẫn Hoạt động Thể chất dành cho người Mỹ, việc ép bản thân tăng cường độ thể dục khi chưa sẵn sàng làm gia tăng tâm trạng, cảm xúc tiêu cực.
Với những người vốn không thích thể thao, tiến sĩ Lim đề xuất hình thức đi bộ. Đây là hoạt động đơn giản, không yêu cầu địa điểm, dụng cụ.
"Bạn có thể đi bộ trong công việc, xung quanh nơi làm việc hoặc khu nhà ở, thậm chí tại các trung tâm mua sắm", bà cho biết.
Thục Linh (Theo CNA)