Thường dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 hàng năm là cao điểm du lịch của các công ty lữ hành. Tuy nhiên năm nay, Covid-19 đã đánh sập tất cả các kế hoạch được các doanh nghiệp xây dựng từ năm ngoái. Thị trường gần như đứng yên.
Giảm giá kéo khách
Không kỳ vọng du lịch nội địa sớm nóng trở lại, nhưng để chuẩn bị kế hoạch thu hút sự quan tâm của du khách, nhiều công ty công bố hàng loạt các chương trình khuyến mại. Với nhìn nhận này, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Chày Lập farmstay & resort (Quảng Bình), cho rằng thời điểm sau dịch, để kích thích người dân đi du lịch, cần thiết phải giảm giá dịch vụ; điểm đến đảm bảo chất lượng, an toàn và tạo cảm giác thoải mái cho du khách.
"Giảm giá vé lúc này là cách để kích thích du khách nội địa đi chơi, bù đắp cho lượng khách quốc tế đến Quảng Bình sụt giảm chưa biết khi nào phục hồi trở lại", ông Châu Á nói. Theo đó, công ty của ông giới thiệu gói nghỉ dưỡng dịp lễ 30/4 và 1/5 gồm 2 ngày 1 đêm và du thuyền ngắm hoàng hôn giảm từ 1,970 triệu đồng xuống còn 970.000 đồng/ khách; gói 2 ngày 1 đêm, khám phá vườn quốc gia Phong Nha, nghỉ dưỡng kết hợp ngắm hoàng hôn trên du thuyền giảm từ 2,950 triệu đồng xuống còn 1,970 triệu đồng/ khách; gói 3 ngày 2 đêm khám phá Phong Nha, vui chơi tại Chày Lập giá 5,1 triệu đồng giảm còn 3,4 triệu đồng/khách.
Công ty Oxalis của ông Châu Á, đơn vị nắm quyền khai thác một số hang động ở Quảng Bình, cũng đề xuất tỉnh xem xét giảm 50% các loại phí tham quan, dịch vụ môi trường rừng và các loại phí liên quan đến khách du lịch trong năm 2020-2021 để thực hiện kích cầu du lịch, nhằm từng bước đưa du lịch trở lại sau đại dịch.
Dựa trên giá giảm của các đơn vị cung cấp dịch vụ, các hãng lữ hành sẽ cho ra giá tour hấp dẫn du khách. Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour Trần Thế Dũng cho biết, tour du lịch được cấu thành bởi nhiều dịch vụ cung ứng. "Giá tour phụ thuộc nhiều vào giá thành của mỗi dịch vụ. Nếu mỗi dịch vụ, đối tác đưa ra được mức giá giảm sâu để kích cầu du lịch thì đơn vị lữ hành sẽ có được tour với mức giảm giá phù hợp", ông Dũng nói. Lữ hành chỉ là đơn vị kinh doanh dịch vụ nên khó quyết định trong việc giảm giá tour mà phải phụ thuộc nhiều vào các đơn vị cung ứng.
Đơn cử như tour Sài Gòn đi Phú Quốc 3 ngày 2 đêm, tiêu chuẩn ở 3 sao có giá khoảng 5 triệu đồng. Trong đó, dịch vụ vận chuyển chiếm khoảng 50% giá tour; lưu trú chiếm khoảng 30%; tour có đi tham quan vườn thú Safari phải mua thêm dịch vụ. Như vậy, để giảm giá tour, trước hết phải giảm giá vận chuyển và lưu trú.
"Nếu các dịch vụ cung ứng có thể giảm giá thành sẽ kéo theo giá tour giảm. Như vậy, khả năng kích cầu người dân đi du lịch sẽ tăng cao", ông Dũng nói. Ông cho rằng, các địa phương nên xem xét giảm giá vé tham quan, nhất là vịnh Hạ Long, Hội An, hệ thống hang động ở Quảng Bình, Huế... Còn các điểm vui chơi do tư nhân quản lý như Bà Nà, cáp treo Phú Quốc... doanh nghiệp cần sớm công bố giá vé ưu đãi để thu hút du khách nội địa lên chương trình du lịch.
Trong khi đó, các địa phương cũng chủ động với việc thu hút khách nội địa. Sở Du lịch TP HCM đã lên kế hoạch triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2020, phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch TP vận động các doanh nghiệp du lịch đồng loạt giảm giá, tặng thưởng... khi khách đến tham quan, mua sắm. Đặc biệt, triển khai các chùm tour tham quan di tích lịch sử, du lịch đường sông... với giá ưu đãi trong các ngày lễ lớn sắp tới.
Chú trọng an toàn
Sau đại dịch, xu hướng du lịch sẽ thay đổi. Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty nghiên cứu du lịch Outbox Consulting, cho rằng sau dịch Covid-19 thị trường nội địa sẽ hồi phục trước nhưng cũng từng bước một. Trước hết đối với nhóm khách công vụ và khách thăm họ hàng, bạn bè do nhu cầu kết nối lại công việc và các mối quan hệ mật thiết.
Nghiên cứu của Outbox Consulting cho thấy, thị trường nội địa sẽ là cứu cánh cho các điểm đến trong mùa hè năm nay. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19, nhu cầu của khách gia đình đi dài ngày sẽ thay đổi. Họ sẽ đi gần và thời gian ngắn hơn vì học sinh, sinh viên có thể phải kéo dài học kỳ hè. "Trong bối cảnh đó, các điểm đến nên tập trung vào nhóm khách ở độ tuổi khoảng 40 trở lại, những người trẻ đi làm, ít bị tác động bởi tâm lý sợ hãi và đang bị kìm nén nhu cầu đi lại, du lịch trong thời gian giãn cách xã hội", ông Phước nói. Việc thiết kế sản phẩm để bảo đảm an toàn về y tế khi dịch bệnh chưa hoàn toàn được khống chế cũng sẽ là yêu cầu quan trọng đặt ra, nhất là đối với vấn đề vệ sinh và giữ khoảng cách tối thiểu.
Theo chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí, nguyên Phó trưởng phòng quản lý Lữ hành, Sở Du lịch TP HCM, doanh nghiệp đang tìm cách kích thích người dân đi du lịch trong giai đoạn hiện nay. Việc giảm giá kích cầu là một trong những biện pháp cơ bản để thu hút người dân đi du lịch. Hiện nay, những tour biển đảo, nông trại sinh thái, tự nhiên đang được đánh giá cao nhưng phải lưu ý tình hình điểm đến, năng lực phục vụ của công ty mà khách mua tour...
Theo ông Chí, Covid-19 gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ cho người đi du lịch về vấn đề an toàn sức khỏe, tính mạng... Như vậy, yếu tố an toàn sức khỏe, sự tiếp cận dễ dàng của điểm đến luôn được du khách quan tâm hàng đầu. "Ngoài ra, các công ty phải chứng minh và tạo niềm tin cho khách về năng lực tổ chức, kèm theo giảm giá khuyến mại, khi đó mới thu hút được khách nào mạnh dạn đặt tour", ông Chí nói.
Đồng quan điểm trên, ông Dũng cũng cho biết thêm, trong giai đoạn xây dựng tour sau dịch Covid-19, các đơn vị chú trọng nhiều hơn đến vấn đề an toàn cho du khách. "TP HCM đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí trong du lịch giai đoạn ‘sống chung với dịch bệnh an toàn’. Tuy nhiên, sau khi thẩm định đủ điều kiện thì phải cấp chứng nhận. Khách hàng là người sử dụng dịch vụ và chính họ sẽ kiểm tra các tiêu chí. Du lịch là ngành có tính liên vùng nên cả các địa phương khác cũng cần có Bộ tiêu chí phù hợp với tình hình. Qua đó, công ty lữ hành mới xây dựng được tour an toàn trên tổng thể các tiêu chí, yêu cầu", ông Dũng đề xuất.
Nguyễn Nam