![]() |
(istock) |
Cha mẹ đôi khi cảm thấy nhẹ nhõm vì chấm dứt được những rắc rối gia đình, song đối với con trẻ thì đó là sự mất mát. Phản ứng tình cảm của trẻ thường phụ thuộc vào tuổi tác, song đa số trải qua sự buồn bã, tức giận và lo lắng. Rất may là cha mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ vượt qua chấn động tâm lý này bằng sự khôn khéo và tình yêu thương, bằng cách hạn chế tối đa mọi căng thẳng do vụ ly dị gây ra, giữ thái độ cởi mở, bình tĩnh và trung thực trước những băn khoăn của trẻ.
Nói thế nào với con rằng cha mẹ sẽ chia tay?
Thực sự đây là một tình huống khó khăn, song nếu xử lý một cách khôn khéo, bạn có thể làm cho nó ít đau đớn với con. Tốt nhất là hãy thông báo với con về quyết định ly hôn ngay sau khi đã chắc chắn về kế hoạch sắp tới. Cả cha và mẹ nên có mặt trong giây phút nhạy cảm này. Hãy gạt bỏ sự tức giận, tội lỗi hay oán trách ra khỏi cuộc trò chuyện.
Nội dung trò chuyện với con về ly hôn phải phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển của trẻ. Về cơ bản, tất cả trẻ em nên được tiếp nhận thông tin cơ bản là: "Mẹ và bố từng rất yêu nhau và hạnh phúc, song giờ đây chúng ta không còn hạnh phúc nữa và quyết định sẽ ở riêng. Nhưng cho dù có chuyện gì xảy ra, chúng ta sẽ luôn là cha mẹ của con và sẽ luôn ở bên con để yêu thương và chăm sóc".
Một điều quan trọng là nhấn mạnh rằng con không phải nguyên nhân khiến gia đình đổ vỡ, vì trẻ thường hay tự trách mình là một yếu tố gây ra sự chia rẽ. Trẻ sau đó sẽ thắc mắc liệu tình thương yêu của bạn dành cho con có chấm dứt ở đây, hãy khẳng định với con rằng bạn vẫn mãi yêu trẻ vô điều kiện.
Cuộc trò chuyện sẽ đi tới phần giải đáp các thắc mắc về quyết định ly hôn. Trong phần này, hãy cho trẻ biết đầy đủ thông tin song không nên quá chi tiết khiến con sợ. Cố gắng giữ bình tĩnh và trả lời các câu hỏi của trẻ một cách khéo léo phù hợp với lứa tuổi, đồng thời cố gắng trung thực tới mức có thể. Nên nhớ trẻ không cần biết tất cả mọi chi tiết, các em chỉ cần đủ thông tin để hiểu rằng ly hôn là sự chia cắt của một đôi vợ chồng, nhưng nó không đồng nghĩa với việc cha mẹ chấm dứt tình cảm với con cái.
Không phải tất cả trẻ em đều có phản ứng giống nhau khi biết cha mẹ ly dị. Một số em thắc mắc rất nhiều chuyện, số khác chỉ biết khóc và có trường hợp không hề có phản ứng gì ban đầu. Đối với những em buồn bã, hãy để cho trẻ biết rằng bạn nhận thấy và rất hiểu cảm xúc đó, đừng quên khẳng định rằng nếu khóc có thể vơi được nỗi buồn thì con hãy khóc. Bạn có thể nói: "Mẹ biết tin này làm con buồn, và mẹ có thể hiểu vì sao", hoặc "Ba mẹ đều yêu con và rất xin lỗi vì đang làm con buồn thế này".
Phần lớn trẻ đều muốn biết việc cha mẹ ly hôn có ảnh hưởng thế nào đến mình, với những thắc mắc như:
- Con sẽ sống với ai?
- Liệu con có phải chuyển đi nơi khác?
- Mẹ hoặc ba sẽ sống ở đâu?
- Con sẽ đi học trường mới?
- Con vẫn được gặp nhóm bạn của mình?
- Con vẫn có thể đi cắm trại mùa hè này?
Hãy tháo gỡ mọi thắc mắc và nhấn mạnh với con rằng gia đình sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này, cho dù có mất bao nhiêu thời gian.
Làm thế nào để giúp con giảm stress?
Đối với trẻ em, việc cha mẹ ly hôn mang đến nhiều thay đổi và cảm giác mất mát thực sự. Trẻ đau buồn vì không được thấy cha hoặc mẹ thường xuyên. Đó là nguyên nhân vì sao một số trẻ vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó hai người sẽ hàn gắn, kể cả khi đã được giải thích cặn kẽ. Cảm giác nuối tiếc là hoàn toàn tự nhiên, song theo thời gian, cả bạn và con sẽ sớm đi tới một chấp nhận ở mức độ nào đó.
Vậy làm thế nào để giảm stress cho con? Về cơ bản, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời bằng cách nắm bắt các phản ứng, các sắc thái tình cảm của con. Dưới đây là một số gợi ý:
Trò chuyện gợi mở. Trẻ cần được biết rằng mọi cảm xúc của mình đều được cha mẹ để tâm và trân trọng.
Giúp trẻ nói lên được cảm xúc của mình. Hãy để con nói lên cảm nghĩ của mình và giúp con gọi tên chúng, thay vì cố gắng thay đổi cảm xúc của con hay thanh minh cho quyết định ly hôn. Hãy nói: "Mẹ biết con sẽ buồn. Con có biết cái gì đang làm cho con buồn không?". Bạn hãy làm một người biết lắng nghe kể cả khi có những lời khó chấp nhận.
Hợp pháp hóa cảm xúc của trẻ. Hãy nói: "Không có gì lạ khi con buồn" hoặc "Mẹ biết dường như sự đau đớn này có thể không bao giờ tiêu tan, nhưng rồi nó sẽ nguôi ngoai con ạ", để cho trẻ biết rằng xúc cảm của chúng có giá trị. Điều quan trọng là khích lệ con bộc lộ hết trước khi bạn bắt đầu đưa ra hướng cải thiện tình hình.
Tích cực hỗ trợ. Hãy hỏi: "Con nghĩ cái gì sẽ giúp con thấy khá hơn?". Trẻ có thể chưa gọi được tên cái đó, vậy bạn có thể đưa ra một vài gợi ý - như ngồi cùng nhau một lát, đi bộ, hoặc ôm con thú nhồi bông yêu thích. Nên biết rằng một số trẻ chỉ cần mất một thời gian ngắn để dàn xếp, song có em "cả nghĩ" có thể cần vài tháng hoặc thậm chí cả năm.
Dấu hiệu của stress. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy trẻ đang stress, tuỳ theo lứa tuổi:
- Trẻ dưới 3 tuổi: Ở tuổi này, con cần ổn định nếp sinh hoạt hằng ngày và thấy dễ chịu với sự thân quen. Những dấu hiệu cho thấy trẻ đang buồn bực là quấy khóc, thay đổi thói quen ăn uống và giờ ngủ. Trẻ tuổi này cũng nhạy cảm với sự chia ly và có thể biểu hiện lo lắng, lãnh đạm, buồn bực hoặc theo bám nhằng nhẵng.
- Tuổi mẫu giáo: Lứa tuổi này cũng cần sự ổn định, song do các em đã phát triển trí nhớ lâu dài và kỹ năng ngôn ngữ nên có suy nghĩ độc lập hơn. Các dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị căng thẳng là nét mặt thảng thốt, tự dưng mút tay, tè dầm như thuở bé và khó ngủ suốt đêm.
- Từ 6 đến 8 tuổi: Trẻ cần thời gian riêng với bố hoặc mẹ để tự khẳng định rằng vẫn được yêu thương. Sự công bằng ở lứa tuổi là vấn đề quan trọng. Bé cũng bắt đầu quan tâm tới những vấn đề như ai đáng trách và ai có lỗi. Nếu trẻ ở tuổi này có biểu hiện nuôi hy vọng gia đình đoàn tụ, hãy nhắc nhở con về thực trạng. Tuy nhiên, việc này không mấy hiệu quả vì trên thực tế trẻ vẫn hy vọng tái hợp gia đình trong nhiều năm. Những biểu hiện stress của con là buồn bã, hay mất bình tĩnh và hiếu chiến. Sau khi biết cha mẹ ly hôn, trẻ có thể có vấn đề trong quan hệ bạn bè hoặc học hành. Stress cũng có thể ở dưới dạng sinh lý như đau bụng, đau đầu.
- Từ 9 tới 12 tuổi: Trẻ tham gia nhiều hoạt động độc lập mà không có sự góp mặt của cha mẹ. Trường lớp, cộng đồng, tình bạn trở thành một phần cuộc sống của trẻ, song ảnh hưởng của gia đình vẫn rất quan trọng. Những dấu hiệu đáng cảnh báo ở nhóm tuổi này là trục trặc trong quan hệ bè bạn, thấy cô đơn, khổ sở, bực bội và những triệu chứng sinh lý như đau đầu, đau bụng hoặc học hành sa sút.
- Tuổi mới lớn: Trong những năm đầu mới lớn, trẻ cần sự hỗ trợ ổn định từ cả cha và mẹ, song tuổi này trẻ không chấp nhận việc chia sẻ qũy thời gian riêng với cha mẹ, vì sợ rối việc học ở trường và hoạt động xã hội. Thanh thiếu niên càng lớn thì càng tự lập và ít quan tâm tới các vấn đề của cha mẹ hơn. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần sự hỗ trợ của cha mẹ. Hãy để tâm tới cuộc sống và các mối quan tâm của trẻ, đặc biệt dành thời gian để nói chuyện thường xuyên với con.
Trẻ em ở bất kỳ tuổi nào cũng có tình cảm lẫn lộn khi nhìn thấy cha hoặc mẹ hẹn hò với người khác. Các em có thể nghĩa rằng một trong hai người không chung thuỷ, song cũng thấy vui khi cha mẹ mình tìm được người mới.
Suy nhược tinh thần, buồn bã, học hành sa sút, uống rượu, thuốc kích thích, quan hệ tình dục hoặc có hành vi chống đối... tất cả đều có thể gặp một thanh thiếu niên khi cha mẹ ly hôn. Những em lớn hơn có thể bỏ nhà ra đi, phạm tội... Các biểu hiện này rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới nhân cách của trẻ và hơn lúc nào hết các em rất cần sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Cha mẹ đánh nhau trước mặt con trẻ
Việc cãi lộn giữa cha mẹ, dẫu rằng luôn có lý do, có thể xảy ra kể ra ở những gia đình lành mạnh. Tuy nhiên, sống trong một gia đình bao trùm sự thù địch và hàng loạt mâu thuẫn không thể giải quyết có thể tạo nên gánh nặng tâm lý cho trẻ. Sự la hét, đánh nhau, cãi vã hoặc bạo lực có thể khiến trẻ sợ hãi. Một khi không thể giải quyết được nỗi sợ này, trẻ trở nên buồn nản, lãnh đạm... Chứng kiến sự thù hằn của cha mẹ cũng tạo cho trẻ một mẫu cư xử không đúng, trong khi lứa tuổi này đang học hỏi cách sống. Tốt nhất là nói chuyện với một người hòa giải hoặc luật sư, tránh làm tổn thương nhau theo cách không gây hại cho trẻ.
Cuộc sống sau ly hôn
Có một số kiểu quan hệ gia đình sau ly hôn:
- Cha hoặc mẹ có thể có quyền bảo hộ tuyệt đối với con
- Vợ hoặc chồng có thể có quyền tham gia bảo hộ (trong đó cả hai chia sẻ các quyết định cho con, song trẻ sẽ sống chủ yếu với một người và chỉ đi thăm người kia).
Cho dù việc sắp xếp thế nào, nhu cầu của trẻ luôn phải đặt lên hàng đầu. Đừng vì hiếu thắng giữa hai vợ chồng mà quên đi lợi ích và mong muốn của trẻ.
Sau ly hôn
Hãy cố gắng duy trì mọi thứ bình thường sau khi ly hôn bằng cách giữ nếp sống đều đặn như bữa cơm, quy định cư xử, kỷ luật. Việc nới lỏng các giới hạn sẽ làm cho trẻ có cảm giác bấp bênh. Cần biết rằng phá vỡ nếp sinh hoạt rất mạo hiểm, nó có thể làm hỏng một đứa trẻ trong khi đang đau khổ.
Hai người nên tích cực giữ nguyên vai trò làm cha và mẹ. Con trẻ, cho dù có hiểu được bao nhiêu, thì cũng vẫn là một đứa trẻ. Nếu bạn giãi bày hết mọi bất đồng, trẻ sẽ gặp khó khăn trong quan hệ với chồng hoặc vợ bạn. Điều này có nghĩa là không nên oán trách người kia trước mặt con, và đặt con vào câu chuyện của người lớn mà trẻ không đủ chín chắn để xử lý.
Sự ổn định về nếp sống và kỷ cương trong gia đình là điều quan trọng. Cần để cho trẻ thấy rằng cả hai bố mẹ vẫn đang cùng chăm sóc để trẻ không nảy sinh ý nghĩ đầu cơ.
Đừng ngại ngần hỏi ý kiến của chuyên gia. Ly dị là một khủng hoảng gia đình, song nếu hai người cùng hợp tác với nhau thì cả hai có thể tiếp tục là cha mẹ tốt.
Dưới đây là một số gợi ý cần ghi nhớ
- Nếu bạn có tinh thần và hướng giải quyết tích cực, trẻ cũng có xu hướng làm theo. Hãy tìm sự trợ giúp bên ngoài để giải quyết nỗi buồn của chính bạn trước, ít ra cũng để giảm gánh nặng tâm lý của bạn lên trẻ. Người chia sẻ có thể là một người bạn thân thiết, họ hàng hoặc một nhà trị liệu.
- Kiên nhẫn với bản thân và với trẻ. Những trăn trở, cảm giác mất mát và đau khổ sau ly hôn rất cần thời gian để hàn gắn.
- Tuyệt đối tránh bù đắp cho con bằng vật chất, thức ăn hoặc đặc quyền. Tốt nhất là bù đắp bằng chính tình yêu thương và sự chăm sóc từ những người thân yêu.
- Phát hiện những dấu hiệu căng thẳng ở trẻ theo từng độ tuổi. Tham vấn bác sĩ tâm lý để có cách xử lý thoả đáng.
Những giải pháp giúp trẻ trở nên mạnh mẽ và sống lành mạnh trong một gia đình bị sứt mẻ tuỳ thuộc nhiều vào sự khôn khéo. Cùng với tình yêu thương và chăm sóc của cha mẹ đã ly hôn, trẻ vẫn sẽ mau chóng thích nghi với cuộc sống mới.
Mỹ Linh (theo My Baby)