Tôi biết một người bạn mới đi leo núi bị sốc độ cao nặng, phải cấp cứu, đã có lúc nguy hiểm đến tính mạng. Vậy cho hỏi, biểu hiện của sốc độ cao khi đi leo núi thế nào? Có cách nào để hạn chế hoặc điều chỉnh việc sốc độ cao này không?
Xin cảm ơn.
Minh Anh
Trả lời:
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hung) thường tổ chức các chương trình Phototour theo nhóm tới nhiều nơi trong và ngoài nước, trong đó có nhiều điểm nằm ở độ cao trung bình lớn so với mực nước biển như Tây Tạng (4.900 m), Ladakh (5.200 m), Pakistan (4.100 m). Anh Hùng cho hay một trong những biểu hiện của việc sốc độ cao là chảy máu mũi. Nguyên nhân là khi lên cao, không khí khô, mao mạch mỏng dễ gây chảy máu.
Đoàn của anh Hùng thường là những người có sức khỏe tốt, nhưng khi đến những nơi này, tất cả đều phải chuẩn bị trước các loại thuốc giảm sốc độ cao. Các đơn thuốc được chuẩn bị sẵn từ nhà, với sự tham khảo từ nhiều người chuyên leo núi quốc tế, các bác sĩ có chuyên môn. Ngoài ra, để tăng cường sức khỏe, nhóm anh Hùng khuyên nên dùng một số thực phẩm chức năng, đông trùng hạ thảo, viên tạo oxy và nhiều loại khác.
Theo anh Hùng, để hạn chế sốc độ cao, cần thiết kế lịch trình đảm bảo "thời gian thích nghi độ cao", tức là cần có thời gian làm quen, không thay đổi độ cao đột ngột. Những người bị bệnh về tim mạch, cao huyết áp, hen suyễn thì nên cân nhắc tham gia các chuyến đi tới những nơi này. Cần phải có bác sĩ riêng tư vấn hoặc đi cùng nếu vẫn thực sự muốn tham gia.
Tuấn Đào, du khách ở Hà Nội từng tới vùng Ladakh (Ấn Độ) hai lần, cho hay cảm giác rõ rệt nhất khi sốc độ cao là "đau đầu, buồn nôn và chóng mặt dữ dội".
Trong lần đầu tiên đến Ladakh vài năm trước, anh không gặp sự cố nào nên chuyến đi lần thứ hai hồi tháng 7 vừa rồi anh chủ quan không mang theo thuốc cũng như không chuẩn bị tinh thần trước. "Trước đó vài tháng, tôi còn trekking khu bảo tồn thiên nhiên Fairy Meadows (Pakistan), vào điểm cắm trại ở chân núi cao hơn 3.300 m mà không gặp vấn đề gì về sức khỏe. Nhưng khi quay lại hồ Pangong Tso ở Ladakh cao 4.300 m thì vừa bị sốc độ cao, vừa trúng gió và sốt rét. Cả đêm mê sảng, đầu thì đau buốt, chóng mặt, 'ngất lên ngất xuống' chắc 50 lần", anh Tuấn kể.
Anh Tuấn khuyên nên chuẩn bị đầy đủ đồ nghề gồm thuốc chống sốc độ cao (tham khảo trước ý kiến bác sĩ từ nhà), bình xịt ẩm mũi (lên cao mũi khô nên rất dễ chảy máu), miếng dán giữ nhiệt, quần áo, mũ, găng tay đủ ấm.
Anh Phạm Cường, đại diện công ty du lịch chuyên các tour mạo hiểm, cũng chia sẻ một số kinh nghiệm để hạn chế sốc độ cao:
- Không nên tắm ngay khi vừa đến nơi có chênh lệch độ cao lớn
- Không nên vận động mạnh và nhiều vì sẽ rất mệt. Có khi di chuyển 1 km nhưng cảm giác bằng vài km.
- Uống nhiều nước hơn bình thường (tiêu chuẩn bình thường khoảng 2 lít nước mỗi ngày)
- Rèn luyện thể lực trước khi đến những nơi có thể sốc độ cao, tập các động tác để máu lên não đều
- Chuẩn bị các loại thuốc bổ não, tuần hoàn não và các thuốc chống sốc độ cao (cần tham khảo bác sĩ)
- Chuẩn bị các đồ dùng cần thiết như đồ giữ ấm (quần áo, giầy), thuốc nhỏ mũi
Tại nhiều nơi ở những điểm du lịch như Tây Tạng, Ladakh hay Pakistan, một số nơi có dây cung cấp oxy. Nếu du khách có biểu hiện nhẹ, có thể tự cấp cứu tại chỗ. "Nên cẩn thận vì nhiều trường hợp chỉ cần bạn nhảy Yomost để chụp ảnh cũng phải cấp cứu vì sốc độ cao rồi", anh Hùng lưu ý thêm.
Tâm Anh