PGS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, trả lời VnExpress về ngôn ngữ teencode của giới trẻ.
- Từ góc độ nhà nghiên cứu ngôn ngữ, ông nhìn nhận thế nào về teencode?
- Teencode không phải là hiện tượng ngôn ngữ xa lạ gì. Nó xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2010, khi công nghệ phát triển, điện thoại thông minh và máy tính trở nên phổ biến. Người trẻ dùng các ký tự Latin, dấu câu, ngữ pháp tiếng Việt như ck là chồng, ck là vợ, G9 là chúc ngủ ngon... để biểu đạt suy nghĩ, tình cảm theo cách của họ.
![Phó giáo sư Phạm Văn Tình, tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Ảnh: Viết Tuân.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/06/10/ong-Tinh1-8864-1560138945.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5jlN2zm-imxi-54c9t-nfA)
Phó giáo sư Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Ảnh: PV.
Teencode tồn tại ký sinh trong lòng tiếng Việt phổ thông, nhưng không phải là hiện tượng của riêng Việt Nam mà xảy ra ở nhiều nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga... Cách thức giao tiếp này không phải là sự sắp xếp ký tự ngôn ngữ tùy tiện mà tuân theo quy luật riêng, không theo logic tiếng Việt thông thường, khiến ai lần đầu tiếp xúc sẽ nghĩ rằng hình như tiếng Việt đang có vấn đề.
Teencode được những người trẻ quy ước với nhau, thậm chí từng nhóm cộng đồng người trẻ ở nhiều vùng miền khác nhau sẽ có quy ước ký tự khác nhau. Nhưng khi giao tiếp, họ đều có cách để hiểu được thông điệp của nhau. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có sự sáng tạo và kỹ năng. Thực tình tôi cũng ngạc nhiên là họ lại có thể nghĩ ra những quy ước như vậy.
- Theo ông, nguyên nhân nào khiến teencode ngày càng phổ biến trong giới trẻ?
- Giới trẻ hiện nay được tự chủ hơn rất nhiều trong cuộc sống. Họ được tự do hơn trong nhiều việc, từ lối sống, sinh hoạt, sở thích, tình yêu... và ít bị giám sát hay ép buộc như trước. Điều này khiến nhiều người trẻ thoáng hơn trong sử dụng ngôn ngữ và cách giao tiếp.
Được tiếp cận công nghệ từ sớm, giới trẻ tận dụng công nghệ để thỏa mãn sở thích, coi việc tạo ra cách ký hiệu riêng là sáng tạo. Họ thích thú với các ký hiệu đó, coi đó là phá cách và nhanh chóng học hỏi nhau tiếp tục "sáng tạo".
Teencode với các ký tự được sắp xếp khác quy luật thông thường, xen lẫn các dấu câu không theo trật tự, các ký hiệu hình tượng biểu cảm... phần nào đó cho người trẻ cảm giác lạ và dễ dàng thể hiện cảm xúc, tình cảm. Sự phá cách này được nhiều người trẻ hưởng ứng, là tác nhân khiến teencode lan rộng.
Hơn nữa, học sinh bây giờ từ nhỏ đã phải gánh nặng quá nhiều kiến thức, việc rèn luyện "vở sạch, chữ đẹp" ít được nhà trường chú trọng. Các em thường chỉ được yêu cầu biết đọc, biết viết một cách rõ ràng. Việc đầu tư thời gian giảng dạy về ngôn ngữ thường được cho là phù phiếm, chiếm mất thời gian không nhỏ.
- Được rất nhiều người trẻ sử dụng, teencode ảnh hưởng thế nào đến tiếng Việt?
- Trong chừng mực nào đó, teencode có ý nghĩa tích cực. Cách viết lạ tạo ra sự thích thú, đáng yêu, hài hước khi giao tiếp, giúp tiếng Việt đa dạng hơn. Thực tế đâu chỉ lớp trẻ, tuổi teen sử dụng, người lớn cũng "nhập cuộc" cùng teencode đấy chứ.
Như chúng ta biết, bên cạnh tiếng Việt phổ thông còn có phương ngữ địa lý, phương ngữ xã hội, tiếng lóng, biệt ngữ... Teencode là một dạng biệt ngữ khiến người trẻ dễ giao lưu, dễ thể hiện suy nghĩ, cảm xúc và hiểu nhau. Nó còn giúp nhiều người giải tỏa căng thẳng, cuộc sống vì thế cũng sinh động hơn.
Nhưng teencode chỉ là một ngôn ngữ ký sinh. Nó phụ thuộc vào "vật chủ" là tiếng Việt toàn dân. Nếu quá nhiều người lạm dụng thì sẽ làm mất đi hình hài và sự phát triển theo quy luật của tiếng Việt phổ thông.
Ngôn ngữ này nếu được dùng trong cộng đồng người trẻ thì nhiều người hiểu. Nhưng nếu dùng với những người đã nhiều tuổi hoặc người không biết thì gây khó hiểu, thậm chí là ngô nghê.
- Ông có lời khuyên gì cho người trẻ khi dùng teencode trong giao tiếp hằng ngày?
- Ngôn ngữ giới trẻ - một mặt biểu hiện trong cuộc sống giới trẻ - chúng ta cần phải tôn trọng và lắng nghe, vì đó là quyền và sở thích của họ. Nhưng trong xã hội không phải chỉ có cộng đồng người trẻ đang sống trong ốc đảo của riêng họ. Ngoài kia là cộng đồng xã hội rộng lớn với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau. Vì vậy, tôi khuyên những người trẻ khi giao tiếp không nên quá lạm dụng teencode, nhất là với người lớn tuổi, trong công việc hay những cuộc nói chuyện nghiêm túc. Những quy tắc ngôn ngữ của tiếng Việt phổ thông đã được thiết lập qua hàng ngàn năm cần được tôn trọng, học hỏi và trau dồi.
Trong ngôn ngữ học có khái niệm là ngữ năng - tức năng lực ngôn ngữ và ngữ thi - khả năng thực thi ngôn ngữ. Teencode chỉ là một hiện tượng, mang lại cảm giác lạ lẫm và thỏa mãn nhất thời. Trong khi đó, vốn ngôn ngữ của mỗi người được bồi đắp qua thời gian bằng sự học hỏi và giao tiếp. Quá trình này không kéo dài quá lâu.
Những năm học phổ thông là thời gian tốt nhất để mỗi trẻ em trau dồi ngữ năng và ngữ thi. Nếu trong thời gian này, học sinh quá lạm dụng, say mê với teencode thì sẽ bỏ quên việc tích luỹ vốn từ và cách giao tiếp bằng ngôn ngữ thông thường. Khi lớn lên, họ sẽ thiếu vốn ngôn ngữ và kỹ năng, gặp khó khăn để giao tiếp với cộng đồng xã hội.
- Teencode để lại hậu quả là học sinh viết, thầy cô không hiểu, trong gia đình cha mẹ không hiểu con cái. Vậy phải làm thế nào để hạn chế tiêu cực này?
- Thầy cô và phụ huynh nên tôn trọng ngôn ngữ của riêng giới trẻ, nhưng cần định hướng để họ hiểu rõ tác hại của việc lạm dụng nó. Trong đó, vai trò của phụ huynh rất quan trọng, bởi gia đình là cái nôi hình thành nên nhân cách một con người.
Bố mẹ có thể chia sẻ cách dùng teencode với con trong những cuộc nói chuyện vui đùa, nhưng ở tần suất hạn chế. Trong những cuộc trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình, nên dạy con dùng ngôn ngữ phổ thông.
Người trẻ cần được giáo dục để tự họ hiểu rõ rằng không được cẩu thả khi giao tiếp, khiến người khác khó hiểu. Dùng teencode để giao tiếp với những người lớn tuổi và người không hiểu về nó là sự thiếu tôn trọng họ.