Báo cáo Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát sau nhiều tháng kiểm tra, giám sát, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết cơ quan này đã phát hiện và xác định hóa chất Ethephon (còn gọi là "thúc chín tố") đang bị lạm dụng để bảo quản thịt tại Thanh Hóa và một số tỉnh, thành khác. Các thương lái đã sử dụng hóa chất này để bảo quản thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ nhằm giữ độ tươi của thịt.
Cục trưởng Nafiqad Nguyễn Như Tiệp cho biết, loại hóa chất này không màu, không mùi, đựng trong lọ nhựa khoảng 5 ml, trên lọ có in chữ nổi "thúc chín tố", hoạt chất chính là Ethephon. Đây là hóa chất gốc phốt pho, có tác dụng điều hòa sinh trưởng thực vật. Theo ông Tiệp, các nghiên cứu khoa học về độc tính của Ethephon chỉ ra rằng chất này gây kích ứng mắt khiến mắt xót, đỏ. Hóa chất này còn tác động trực tiếp lên da gây ăn mòn, sưng tấy và đỏ da. Riêng nguy cơ gây ung thư và tác hại lâu dài đến sức khỏe con người của chất này hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào.
Nhiều hóa chất cấm đang bị thương lái lạm dụng để bảo quản thực phẩm. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc. |
"Trong sản xuất rau quả, chỉ một số nước cho phép sử dụng lượng nhỏ Ethephon trong giới hạn cho phép nhằm kích thích quả chín nhanh, chín đều. Tuy nhiên, trong chế biến bảo quản thực phẩm có nguồn gốc động vật, chất này hoàn toàn cấm sử dụng", ông Tiệp nói.
Cũng theo Cục này, ngoài Ethephon, kết quả giám sát còn phát hiện ra việc lạm dụng hóc môn kích thích tăng trưởng gốc B- Agonist như Sallbutamol, Clenbuterol... Đây đều là những chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ở Việt Nam, Sallbutamol đã bị cấm sử dụng từ năm 2002 vì có thể gây rối loạn chức năng tim phổi nếu con người ăn phải thực phẩm có tồn dư lớn chất này. Còn Clenbuterol sử dụng trên gia cầm kích thích đẻ trứng, cho lợn ăn để tăng trọng nhanh...
Nhìn nhận về thực trạng này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, tại nhiều địa phương, thương lái đã cung cấp thuốc tăng trọng cho nông dân sử dụng. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ thú y hám lợi, biết là thuốc cấm nhưng vẫn lén lút bán cho nông dân hòng kiếm lời. Vì vậy, mấu chốt của khó khăn trong quản lý hóa chất là ở khâu đại lý phân phối, sản xuất gia công và người chăn nuôi.
Trong khi đó, vệ sinh an toàn thực phẩm trong trồng trọt cũng diễn biến phức tạp không kém do việc sử dụng ngoài luồng thuốc bảo vệ thực vật từ nông dân. Theo Cục Bảo vệ thực vật, đã xảy ra tình trạng người dân khu vực biên giới mang thuốc bảo vệ thực vật theo đường biên, gom lại cho doanh nghiệp mang về xuôi tiêu thụ. Lượng thuốc nhập lậu tiểu ngạch rất lớn và khó kiếm soát.
"Trong thời gian tới, phải kiên quyết xử lý những cá nhân, cơ sở vi phạm, truy xuất đến cùng vùng sản xuất 'bẩn'. Dù sẽ gặp phản ứng dữ dội từ nhiều phía, song không thể nhân nhượng cho một người để đầu độc nhiều người", ông Phát nói.
Nguyễn Hưng