Trước đây, khi trang thiết bị còn thiếu thốn, số lượng bác sĩ thành thạo tay nghề còn đếm trên đầu ngón tay, bệnh nhân của chúng ta lo lắng không biết bao giờ mới được mổ, được đến lượt chữa bệnh. Còn bây giờ, họ lo liệu mình có bị mổ "oan" hay không.
Tôi nhớ mãi trường hợp cháu bé hai tuổi với lỗ thông liên thất rất nhỏ ở tim mà tất cả các hướng dẫn chuyên ngành trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều cho rằng không cần thiết phải mổ. Nhưng sau khi đã được phẫu thuật tim mở "thành công", mẹ cháu nhắn tin cho tôi: "May mà tôi cho cháu khám và được mổ ở viện khác, nếu nghe ông có khi cháu bị suy tim thì nguy rồi". Vậy là tâm lý được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (của bệnh nhân) đã được khai thác tối đa, bỏ qua mọi nguyên tắc khoa học giữa cái lợi rất nhỏ so với những biến chứng có thể gặp khi thực hiện phẫu thuật ấy. Tôi chỉ biết im lặng vì mọi chuyện đã rồi.
Còn bao nhiêu khối u xơ nhỏ, cái bướu nhân lành tính, cái túi mật không có triệu chứng, cái chỗ hẹp mạch vành không nguy hại... bị can thiệp, bị phẫu thuật.
Trong y khoa một chỉ định phẫu thuật được xác nhận trong hướng dẫn điều trị (guide line) phải trải qua một quá trình rất dài với các nghiên cứu lâm sàng cùng các bằng chứng khoa học tường minh để khẳng định phương pháp điều trị này là có lợi cho bệnh nhân. Nếu chỉ định nằm ngoài guide line cho dù là chuyên gia đầu ngành cũng chỉ được xếp mức bằng chứng loại C - mức thấp nhất trong y học thực chứng (Evidence-Based Medicine).
Theo tôi, chỉ trừ những bác sĩ quá kém nghiệp vụ hoặc non tay nghề mới không biết mình đang “làm quá" cho bệnh nhân. Người quyết định một cuộc phẫu thuật, can thiệp chính là người hiểu rõ nhất cái lợi và cái hại sẽ xảy ra. Thường cái hại sẽ rất nhỏ - vì đây là những ca thường rất dễ - nhưng cái lợi cho người bệnh chắc cũng chẳng được là bao. Họ sẽ tự vấn "lương tâm": dù gì mình cũng đã giúp bệnh nhân và gia đình yên tâm. Tâm sự rất thật với tôi, các đồng nghiệp, học trò đều nói: “Nếu bọn em không làm, bệnh nhân sang viện khác sẽ lại bị mổ thôi thầy ạ”.
Hơn nữa, một cái lợi nằm ngoài phạm trù Y đức sẽ luôn luẩn quẩn quanh chúng ta. Một ca mổ thành công thì bệnh nhân và gia đình vui, bác sĩ vui, bệnh viện vui và các hãng dược, vật tư y tế cũng vui. Chỉ một chỗ không vui chính là cái "lương tâm" của người bác sĩ quyết định cuộc mổ này.
Kêu gọi chắc sẽ ngày càng khó hơn khi nhiều chính sách thúc đẩy bệnh viện tự chủ kiếm tiền được ban hành ráo riết. Các bệnh viện tự hạch toán làm những chỉ định mở rộng ra hơn bao giờ hết. Bằng chứng rõ ràng nhất là việc chi trả cho Y tế tăng đột biến từ đầu năm nay khi chính sách tự chủ bệnh viện đã chính thức được áp dụng. Trách nhiệm người đứng đầu là hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi vai trò của các hội chuyên ngành còn quá mờ nhạt. Theo quy trình của ngành y, mọi chỉ định đều phải "duyệt lãnh đạo ký". Chốt chặn cuối cùng này cần thực sự vững chắc nhưng dường như nó ngày càng yếu đi theo sức ép của các chính sách mới - kèm sức ép mới - được ban hành.
Ngoài ra, theo tôi, cần phải nâng cao trình độ các bác sĩ của chúng ta, hòa nhập họ vào "bầu không khí" khoa học trên thế giới để thấy nếu mình còn làm vậy sẽ chẳng giống ai; khuyến khích họ tổng kết đăng báo quốc tế để thấy rằng cách làm thường ngày của mình sẽ chẳng ai chấp nhận; phát huy vai trò của các hội chuyên ngành và các hội đồng độc lập trong việc phán xét đúng sai trong các khiếu kiện lạm dụng chỉ định y khoa...
Khó, nhưng phải nhìn vào sự thật đang diễn ra hàng ngày xung quanh ta. Các bác sỹ, nhân viên y tế cần bình tâm quan sát công việc hàng ngày của mình để thấy những lỗ hổng trong chuyên môn. Còn những nhà quản lý hãy tìm cách nuôi được “quân” của mình để họ yên tâm công tác. Nếu cứ theo cách hiện nay, rồi đến lúc người dân sẽ chẳng còn niềm tin vào những "mẹ hiền" được nữa.
Nguyễn Lân Hiếu