Với người khỏe mạnh, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, an toàn trong mùa dịch đã là chuyện khó, còn những người mắc ung thư và có bệnh nền thì càng phải chú ý hơn để tăng cường sức đề kháng, phòng chống dịch hiệu quả.
Tôi bị bệnh K dạ dày đã cắt bỏ 4/5 dạ dày năm 2005, ngày phải ăn 6 bữa nên đặc biệt chú trọng đến việc chọn lựa thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chế biến đảm bảo vệ sinh, phù hợp điều kiện kinh tế và sức khỏe cho bản thân, gia đình.
Năm 2009, tôi bị K nội mạc tử cung phải cắt bỏ tử cung hoàn toàn nên sau điều trị tôi bị loãng xương khá nặng, bác sĩ ghi rõ trong toa thuốc là "suy kiệt" và dặn phải bổ sung sắt, canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày thay cho viên uống. Vì vậy tôi luôn tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng ăn lành, sống khỏe và ít thịt, nhiều rau.
Nơi tôi sống gần biển nên có nhiều loại hải sản tươi sống, còn tôm, cá, cua đồng. Tôi chọn loại nhỏ có thể ăn cả xương để bổ sung nguồn canxi tự nhiên. Tôi nấu ăn theo nhu cầu và tình trạng sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình, cân bằng và gia giảm nguyên liệu tùy vào điều kiện kinh tế chứ không rập khuôn, máy móc theo bất cứ công thức nào. Tất nhiên là tôi phải hiểu rõ nguyên tắc cơ bản trong nấu ăn, công dụng của các loại thực phẩm.
Chẳng hạn tôi nghiên cứu các loại thực phẩm nào kỵ nhau, nhóm thực phẩm nào dễ gây dị ứng. Chế biến rau thế nào để tránh hao hụt vitamin, bởi cơ thể không thể tự sản xuất ra vitamin và khoáng chất. Do đó cần được cung cấp dủ vi chất dinh dưỡng giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt. Song, nếu sử dụng không đúng hay lạm dụng, chúng sẽ gây hại cho sức khỏe.
Với tôi, điều quan trọng nhất của người nội trợ là cái tâm, kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm thực tế và học hỏi thêm từ bạn bè, sách báo, các kênh YouTube hướng dẫn nấu ăn thì người vụng đến mấy cũng có thể nấu được những bữa ăn ngon.
Để có nguồn rau xanh an toàn cho gia đình, tôi tận dụng những khoảng đất trống cạnh nhà, trồng được nhiều loại rau ngắn ngày, rau gia vị và cây trái. Niềm vui mỗi ngày của tôi là được chuẩn bị bữa ăn cho gia đình từ rau trái do chính tay mình trồng, cố gắng trình bày món ăn sao cho hài hòa đẹp mắt để kích thích sự thèm ăn, ngon miệng, hấp thu dinh dưỡng tốt nhất có thể.
Tôi không quên chụp lại những thành quả lao động để có động lực phấn đấu tiếp. Chuối và mít là 2 loại cây ra trái quanh năm nên tôi đã trồng để tận dụng hết mọi thành phần dinh dưỡng, vừa làm trái cây vừa làm rau xanh. Chuối chứa nhiều chất xơ, kali, các khoáng chất cần thiết cho hệ tiêu hóa và xương khớp. Chuối xanh có thể ăn sống, kho cá, nấu ốc, chuối chín ăn trực tiếp, làm các loại bánh, nấu chè, sấy khô. Thân chuối non, bắp chuối làm rau, lá chuối gói thực phẩm, lá chuối già, thân chuối làm phân bón hữu cơ...
Mít không chỉ tốt cho hệ thống miễn dịch cũng như hệ tiêu hóa, phòng ngừa thiếu máu, phòng chống ung thư mà còn chứa rất nhiều khoáng chất như: canxi, sắt, phốt pho, kali tốt cho xương khớp... Mít non dùng nấu canh, làm gỏi, xào, kho cá, làm các món chay, mít chín ăn trực tiếp, làm mứt, sấy khô, xơ mít xào, nấu canh, lá mít dùng hấp bánh, hạt mít rang hay luộc để làm sữa rất ngon, bổ dưỡng.
Nhà có người già, trẻ nhỏ, bản thân mắc 2 bệnh ung thư hơn 16 năm nay nên tôi áp dụng thực đơn rất đa dạng, phong phú và thay đổi thường xuyên các nhóm thực phẩm. Tủ bếp luôn có các loại dầu oliu, dầu gạo, dầu đậu phộng; nhiểu loại ngũ cốc nguyên hạt, bột làm bánh, nấm khô, bún, mì, miến, tôm khô. Các loại rau, trái cây tươi, sữa chua, phomai, sữa hạt được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh bằng túi, lọ thủy tinh, hộp đựng thực phẩm chuyên dụng.
Những ngày cuối tuần, tôi thường đi chợ để có thời gian sơ chế rồi phân từng túi nhỏ dự trữ trong tủ đông để những phải ngày đi làm, chỉ cần rã đông rồi nấu bằng bếp từ, lò vi sóng hoặc nồi chiên không dầu khoảng 15-20 phút là có bữa ăn tại nhà và đem theo đi làm. Cách này vừa nhanh, vừa tiết kiệm thời gian. Tôi hạn chế ăn thịt đỏ, các món chiên, nướng, có nhiều đường, muối, bột ngọt, không dùng các loại bia, rượu, nước uống có ga, dưa muối chua, thực phẩm lên men, đóng hộp và chế biến sẵn.
Bữa sáng tôi thường làm những món nước, mềm dễ tiêu hóa như: Súp gà, súp cua, tổ yến, súp rau đậu lăng, nấm, cháo sò huyết, gà, vịt, bồ câu, cá, tôm, mì trứng tươi, phở, hủ tiếu, bún, miến, nui.
Các món khô: bún xào tôm, chả cá, bún xíu mại, bún thịt xá xíu, xôi nhuộm màu tự nhiên từ gấc, lá cẩm, lá dứa, hoa đậu biếc ăn kèm trứng chiên, chà bông thịt, tôm, vịt, gà khìa hoặc cơm nắm, xôi nấu cùng các loại đậu xanh, đậu đen, đậu lăng ăn cùng muối mè, đậu phộng, rong biển sấy tỏi.
Món uống bổ sung dinh dưỡng, chất xơ đặc biệt tốt cho sức khỏe: tổ yến chưng đường phèn, kem khoai môn, kem bí đỏ, kem bơ, sữa làm từ đậu xanh, đậu nành, đậu phộng, hạt mè đen, hạt sen, gạo lứt, bí đỏ, bắp, nước uống I-on kiềm, nha đam, hạt chia...
Bữa cơm trưa và chiều thì cân đối đạm động vật và đạm thực vật, đảm bảo bữa cơm nào cũng có rau xanh, trái cây tươi, không tích trữ thực phẩm nhiều. Ngoài 3 bữa ăn chính cùng gia đình, tôi chuẩn bị các món phụ để đảm bảo đủ dinh dưỡng ngày 6 bữa. Do đó tôi thường làm sẵn những lọ muối mè, đậu phộng, tỏi phi, hành phi, sấy rong biển, pha sẵn nước mắm kho, nước tỏi ớt để khi cần là có ngay. Ngày lễ hay ngày nghỉ cuối tuần, có nhiều thời gian tôi mới nấu các món bún riêu, bún bò, phở, bánh xèo, những món cuốn thập cẩm để đổi vị bữa ăn.
Trong những ngày thành phố thực hiện phong tỏa, cách ly y tế, tôi làm việc online tại nhà, nên cũng dành thời gian để vào bếp nhiều hơn. Có những lúc đang nấu ăn bỗng nghe tiếng còi xe cứu thương hú inh ỏi, đang ủ giá, tưới rau thì nghe tiếng loa phường thông báo tất cả người dân phải đi test nhanh Covid-19. Quả thực, lúc đó tâm trạng cũng bất an lắm, đương nhiên là những bữa ăn sau đó cũng trở nên vô vị, khó mà ngon miệng được. Do đó, tôi phải tự trấn tĩnh lại vì nếu cứ suy nghĩ tiêu cực sẽ không tốt cho sức khỏe, làm cho không khí gia đình thêm ảm đạm. Thay vì suy nghĩ lung tung, tôi chọn cách ra vườn chăm sóc rau rồi vào bếp nấu những món mà gia đình ưa thích.
Nếu không có đầy đủ nguyên liệu thì thay thế, biến tấu một chút, biết đâu lại khám phá ra một món ăn mới lạ hơn, hấp dẫn hơn thì sao. Ở Việt Nam có bánh xèo - món ăn dễ ăn mà người già hay trẻ cũng đều yêu thích, trong đó có gia đình tôi. Nguyên liệu chính làm vỏ bánh là bột gạo, bột nghệ, hành lá, nước cốt dừa, nhân bánh thường tôm, tép, thịt heo, thịt vịt xiêm, giá đỗ, đậu xanh, củ sắn, rau mầm... Bánh được ăn kèm với nhiều loại rau lá, rau thơm chấm nước mắm chua ngọt. Miền Bắc gọi là bánh khoái, miền Trung và miền Nam gọi bánh xèo. Tất nhiên mỗi miền, mỗi nhà có cách làm và nguyên liệu gia giảm khác nhau tùy sở thích và kinh nghiệm của người đổ bánh.
Những ngày thực hiện phong tỏa "ai ở đâu ở yên đó" nên tôi không thể ra chợ mua bột và nguyên liệu đầy đủ như mọi khi. Trong tủ lạnh có sẵn thịt cua gạch son mua giải cứu giúp nông dân, giá rẻ chỉ bằng nửa ngày thường Trong đó có thịt ba rọi, nước cốt dừa, giá đậu xanh vừa thu hoạch, ít rau ngò rí, tía tô... Không có bột bánh xèo pha sẵn, tôi tự pha bột gạo cùng bột nghệ và gói bột sữa đậu nành, nước cốt dừa cùng tí muối rồi ra vườn cắt nắm hành lá, hái các loại rau nhà trồng: cát lồi, lá lốt, lá xoài non, lá cách, rau diếp cá, rau thơm, cắt một tàu lá chuối làm mâm và lót bánh...
Sau hơn 1 tiếng chuẩn bị nguyên liệu thì tiếng xèo xèo đã vang lên cùng mùi thơm đặc trưng của bánh. Chờ cho cạnh chiếc bánh xèo cuối cùng cong lên dòn rụm, tôi bưng mẹt bánh xèo mời mẹ và gia đình ăn trưa.
Món bánh xèo nhân thịt cua gạch son chắc chắn chưa ai làm vì ngày thường giá rất cao, nhưng do những ngày thực hiện giãn cách, cua không vận chuyển đi xa được nên mới xuất hiện trong món bánh xèo nhà tôi. Màu vàng tươi của nghệ, màu xanh của hành lá, đậu xanh hấp, điểm vài cọng giá trắng càng làm những miếng gạch son đỏ nổi bật đẹp như một bức tranh, làm cho món bánh hấp dẫn.
Tôi nhìn mẹ ăn bánh ngon lành mà vui trong bụng, vì trong những ngày giãn cách, gia đình tôi vẫn được thưởng thức món bánh xèo theo kiểu Bạc Liêu. Hạnh phúc của người nội trợ đôi khi chỉ đơn giản thế thôi!
Nhờ đam mê nấu ăn, bổ sung đủ dinh dưỡng và vitamin kết hợp với vận động nhẹ nhàng nên sức khỏe của tôi ngày càng ổn định, không bao giờ đau ốm vặt. Một chút kinh nghiệm nhỏ của bản thân xin chia sẻ cùng mọi người!
Dưới đây là một số hình ảnh do chính tôi nấu và trình bày: