Quan điểm nêu trên được ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng ban chỉ đạo dự án mắc ca Lâm Đồng đưa ra tại hội nghị ngày 8/4.
Là người nhiều năm gắn bó và có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Phạm S cho rằng Lâm Đồng sẽ không trồng ồ ạt 200.000 ha như đề xuất của Tập đoàn Him Lam. Con số này gấp đôi diện tích mắc ca thế giới hiện có.
Theo Phó chủ tịch tỉnh, mong muốn của Him Lam lấy diện tích và ưu thế sản lượng làm thế mạnh trong cạnh tranh để chi phối thị trường thế giới là khó khả thi. Trên thực tế, một số loại nông sản của Việt Nam có sản lượng hàng đầu thế giới như gạo, cà phê nhưng chỉ số cạnh tranh chỉ dưới 10%.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp khuyến cáo cần thận trọng với cây mắc ca vì thị trường còn quá mới mẻ và chưa rõ ràng. Him Lam phải có chương trình hợp tác cụ thể và lộ trình thật khoa học, bài bản để tránh những thiệt hại cho nông dân. Ít nhất người trồng phải biết được mắc ca dùng để làm gì, Him Lam sẽ thu mua ra sao, nhà máy chế biến sản phẩm ở đâu, công xuất thế nào, liệu nông dân trồng có được hợp đồng bao tiêu hay không..., vì đây là loại cây trồng cần nhiều vốn và kỹ thuật. Do đó, để tránh rủi ro không nên trồng ồ ạt.
Trước ý kiến của lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Văn Liền, Giám đốc dự án cây mắc ca của Him Lam tại Lâm Đồng phát biểu, nếu không được duyệt 200.000 ha thì phải được 150.000 ha, bởi 22.000 ha chỉ chiếm khoảng 40% sản lượng của thế giới, do đó sẽ không thể điều phối được thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Phạm S, quy hoạch đất nông nghiệp của Lâm Đồng là 300.000 hecta, thì hiện tại diện tích cà phê, chè đã là 170.000 hecta. Một phương án đưa ra là có thể trồng xen canh mắc ca trong diện tích 2 loại cây trồng này và nên trồng ở những vườn cà phê có sản lượng dưới 3 tấn một ha hoặc diện tích đang tái canh. Nhưng biện pháp này cũng không thể đủ như mong muốn của Him Lam.
Vị chủ trì hội nghị cho biết, Lâm Đồng đã có kế hoạch cụ thể về quy hoạch trồng cây mắc ca, nhưng diện tích cụ thể sẽ công bố sau khi Tập đoàn Him Lam trình bày kế hoạch chi tiết việc hợp tác trồng cây mắc ca với nông dân vào tháng 6/2015 và bước đầu chỉ trong mức 22.000 hecta.
Đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết rất quan tâm về đề án này. Ban cũng đã tổ chức những hội nghị, hội thảo về mắc ca và xác định đây là cây công nghiệp mới có triển vọng, nhưng do đặc tính của nó nên cần thận trọng việc phát triển diện tích.
Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã nhận được những kiến từ các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và trực tiếp với nhiều nông hộ vì ở Tây Nguyên, đặc biệt là Lâm Đồng đã có những nông dân mạo hiểm tự trồng mắc ca từ 5 năm trước. Một đề án mang tính quốc gia thì phải tính tới thị trường tiêu thụ, nguồn giống qua khảo nghiệm phải thích hợp và đến các khâu khác là sơ chế, chế biến sau thu hoạch, đi kèm đó là những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để bà con nông dân chấp nhận đi theo một loại cây trồng mới.
Quốc Dũng