Ngày 6/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các huyện và thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát các hoạt động du lịch tự phát nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.
Sở đề nghị các địa phương không cho phép các công ty lữ hành, du khách tự tổ chức các hoạt động, tham quan dã ngoại ở những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ quét.... Những khu vực này cần phải đặt biển cảnh báo.
Tại Khu du lịch quốc gia Tuyền Lâm, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà cùng những điểm du lịch khác trên địa bàn, không được cho các công ty lữ hành tổ chức cắm trại dã ngoại, thể thao, thể thao mạo hiểm... tự phát khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan chức năng.
Đối với các đơn vị kinh doanh du lịch, phải bố trí nhân viên có trình độ chuyên môn, đã qua đào tạo để hướng dẫn và phục vụ du khách, nhất là loại hình du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm. Các đơn vị phải có số điện thoại đường dây nóng để du khách liên lạc khi gặp sự cố; bố trí lực lượng, phương tiện cũng như cứu hộ.
Các đơn vị tổ chức các hoạt động tham quan dã ngoại trong rừng, khu vực đồi núi, sông suối... phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Chiều 30/8, nhóm thiếu niên 17 người đi cắm trại ven suối chảy về thủy điện Ankroet, cách trung tâm xã Lát, huyện Lạc Dương khoảng 20 km. Do cơn mưa lớn đổ xuống bất ngờ, con suối cạn trước đó dâng cao 2-3 m, nước chảy xiết. Một nhóm liều băng qua suối, nhóm còn lại bị cô lập. Công an Lâm Đồng phải điều động hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến, dùng dây chuyên dụng vượt dòng nước xoáy, giải cứu từng người an toàn.
Hoạt động du lịch tự phát đang xảy ra ở nhiều nơi khác. Ngày 21/8, một đôi nam nữ đến khu vực nghĩa trang huyện Kon Plông (Kon Tum) cắm trại tại nơi không được phép. Trời lạnh, họ lên ôtô ngủ, đụng vào phanh tay khiến xe lao xuống vực sâu hơn 30 m và bị thương. Vài năm trước, từng xảy ra các vụ tai nạn chết người trên địa bản tỉnh, khi du khách chơi trò mạo hiểm như đu thác.
Phước Tuấn