Đã có hàng nghìn món đồ tương tự được gửi tới Nhược Phàm theo cách này.
Công việc hàng ngày của cô là chế tác những thứ này thành đồ trang sức hoặc lưu niệm. Ví dụ, gần đây cô nhận được một chiếc lá và quả ké đầu ngựa khô gói trong một tờ giấy bạc kèm bức thư. Người gửi viết, từ mộ con trai trở về, chiếc lá và bông hoa này bám chặt vào quần của bà. Với cảm giác đứa con đã khuất níu giữ mình lại, bà gửi cho Nhược Phàm để biến nó thành đồ lưu niệm.
Trước đó hai ngày, một phụ nữ gửi một chiếc cúc áo cũ đến, kèm lá thư bên trong: "Mẹ là người thân thiết nhất với tôi. Từ khi chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối, chúng tôi đã cùng nhau trải qua các cuộc phẫu thuật, hóa trị, giảm đau. Giờ bà sắp không qua khỏi, tôi gửi cô cúc trong chiếc áo yêu thích nhất của bà để làm dây chuyền hình thỏ, bởi thỏ là cung hoàng đạo của mẹ. Tôi sẽ luôn đeo dây chuyền này gần trái tim mình để mẹ sẽ luôn bên tôi".
Nhược Phàm ở thành phố Ba Trung, tỉnh Tứ Xuyên, bắt đầu làm đồ trang sức thủ công tại quê nhà nhiều năm trước. Cách đây vài năm, một người nhắn tin hỏi cô có thể làm một viên pha lê chứa tóc của người cha đã khuất hay không. Kể từ đó người phụ nữ 35 tuổi bắt đầu nghề làm đồ lưu niệm từ di vật người sắp hoặc đã mất.
Nhược Phàm không sợ những di vật người lạ gửi cho mình. Theo cô chúng là những vật dụng bình thường, thậm chí mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Trong quá trình giao tiếp với khách hàng, Nhược Phàm cũng cảm nhận được sự ấm áp trong chính trái tim mình. Đôi khi cô thấy thế giới này quá cay đắng, nhưng rồi lại cảm thấy bản thân may mắn so với những khách hàng đang trải qua bi kịch ngoài kia. Cô tự nhủ không biết bao lần, chết không có nghĩa là thực sự ra đi, mà con người vẫn tồn tại trên thế giới này dưới một hình thức khác.
"Tôi lặp đi lặp lại lời này với khách hàng, để họ luôn cảm thấy an lòng", bà mẹ một con nói.
Di vật của người đã khuất đã trở thành phương tiện quý giá để người thân trong gia đình nhớ thương và cất giữ tâm tư.
Có người gửi tới Nhược Phàm vài sợi râu còn sót lại của chồng quá cố trong chiếc dao cạo, có người cắt một góc chiếc chăn của đứa con vừa mất, có gia đình vì người thân ra đi quá vội vàng nên chỉ gửi tới một nắm đất từ ngôi mộ...
Rồi một người mẹ sảy thai đã chọn làm chiếc vòng cổ và vòng tay bông tuyết, Nhược Phàm đã nhét một phần nhau thai khô vào đó. Người mẹ này chỉ nhắn câu ngắn gọn: "Tuyết rơi dày vào ngày đứa trẻ ra đi". Một cô gái tìm thấy vài sợi tóc bạc của cha mình trong xe ô tô sau khi ông qua đời: "Biệt danh của bố là Iron Lock, tôi muốn làm một ổ khóa nhỏ", người này nhắn cho Nhược Phàm giữa đêm.
Trong ba năm hành nghề, Nhược Phàm nhớ nhất câu chuyện của một người mẹ sắp mất muốn đặt cho cặp sinh đôi hai chiếc vòng từ tóc của mình. Cô nói: "Tôi bị bệnh nhiều năm, chắc sẽ không qua khỏi nên muốn dùng cách này để lưu kỷ niệm cho con". Nhược Phàm đã khắc ở mặt sau hai chiếc vòng chữ "Mom", đồng thời nối chúng lại bằng hình trái tim, mỗi bên một nửa.
Có những người quá cố với sợi tóc bạc phơ, móng tay xỉn màu hoặc chiếc răng đã mòn vẹt. Đôi khi khách hàng gửi tới, Nhược Phàm cũng bật khóc khi nghe họ chia sẻ chưa từng quan tâm tới những thay đổi này, cho đến khi người thân qua đời. "Đây là điều rất đáng tiếc", cô nói.
Trong ba năm qua, người phụ nữ này đã chế tác hơn 2.000 món đồ trang sức hoặc lưu niệm từ di vật người sắp và đã mất. Cô cũng chứng kiến hơn 2.000 câu chuyện, trong đó đều ẩn chứa những nỗi buồn khó nói thành lời.
Chính bản thân Nhược Phàm cũng tìm kiếm nguồn an ủi bằng cách lưu giữ kỷ niệm về mẹ khi bà đột ngột qua đời năm 2020. Cô đã lục tung khắp nhà để tìm di vật, cuối cùng thấy một lọn tóc bị kẹt dưới gầm giường. Cô con gái đã làm một chiếc dây chuyền từ lọn tóc này, nó có màu vàng kim, màu người mẹ yêu thích. Khoảnh khắc hoàn thiện, con gái cảm thấy như thể có thứ gì đó bị mất vừa được tìm thấy.
"Có quá nhiều đau khổ trên thế giới này. Nếu việc làm của tôi có thể mang lại cho ai đó một chút an ủi, tôi sẽ tiếp tục làm điều đó", Nhược Phàm luôn nói câu này khi ai đó hỏi hiện tại công việc của cô là gì.
Vy Trang (Theo qq)