"Tôi tốn 8 triệu đồng cho mái tóc này", chị Hoàng Thùy, 40 tuổi, chủ một doanh nghiệp ở quận Bắc Từ Liêm nói sau khi kết thúc gói dịch vụ gồm: phục hồi, uốn, nhuộm, phủ bóng trong ba giờ.
Là một doanh nhân, dịp cuối năm thường xuyên phải dự các cuộc họp, gặp gỡ đối tác nên chị Thùy rất lo mình có thể vô tình trở thành F0, F1 ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Dẫu vậy, chị cũng muốn tân trang nhan sắc cho dịp năm mới nên đã gọi điện cho Hàn Lâm, 27 tuổi, chủ một salon quen ở quận Thanh Xuân, đặt làm tại nhà.
Khi nghe tư vấn đến nhà sẽ không thể có đầy đủ dụng cụ, hơn nữa mùi hóa chất ảnh hưởng đến con nhỏ, chị Thùy quyết định bao trọn salon của Hàn Lân trong khung giờ mình làm đẹp. Điều kiện của nữ doanh nhân này là trong lúc làm tóc cho chị, salon không được đón thêm khách, thợ làm cho chị phải tiêm đủ hai mũi vaccine và có kết quả test âm tính với Covid-19. Chưa hết, người làm cho chị phải là chủ salon và một thợ phụ lo tất cả các khâu từ gội đầu đến sấy tóc, làm hóa chất. Các thợ khác không được xuất hiện hoặc đảm bảo khoảng cách.
"Càng gần Tết càng nhiều khách đề nghị bao trọn salon nhưng chúng tôi chỉ chiều khoảng 5 khách quen theo hình thức này. Họ là chủ doanh nghiệp, cán bộ cấp cao hoặc các chị con nhỏ, gia đình có điều kiện", Hàn Lâm cho biết.
Con mới hai tháng tuổi, chị Hồng Hạnh, 25 tuổi, ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng cũng nhắn tin nhờ thợ quen đến nhà cắt tóc thay vì đến tiệm. "Em không bị cách ly. Chẳng qua em sợ đến nơi đông người, dễ bị lây Covid", cô nói với chủ salon. Hạnh được xếp khung giờ buổi tối, khi khách đã vắng để thợ không bị mất đơn dịp cuối năm.
Chị Vũ Xuân Thu, 31 tuổi, chủ tiệm ở Minh Khai, người đến nhà cắt tóc cho Hồng Hạnh cho biết, năm nay chị thường xuyên nhận được yêu cầu phục vụ tại nhà, nhất là trong thời gian giãn cách và dịp cuối năm. Tuy nhiên, chị chỉ nhận cắt vì nếu xử lý hóa chất mất nhiều công đoạn, khó thể mang đủ thiết bị.
Trước khi đến nhà, Thu gọi video quay cảnh test âm tính để chủ nhà yên tâm. Với những khách như vậy, chị giữ nguyên giá cắt tóc, tính thêm phí đi lại, tiền mua test Covid-19. Bình thường ra tiệm một lần cắt tóc như vậy khoảng 400 nghìn đồng, giờ có giá gấp đôi.
Phục vụ phân khúc hàng cao cấp, nên những ngày cuối năm, salon của anh Đức Thuấn, ở Hà Đông chỉ chăm sóc khách quen. Tiệm có hai thợ chính và 7 thợ phụ mỗi ngày phục vụ chưa đến 10 khách. Cùng một thời điểm, chỉ khoảng ba khách được chăm sóc. Khi đến tiệm, khách và chủ đều đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt và xịt khử khuẩn.
"Chúng tôi chỉ phục vụ khách lâu năm, số lượng rất ít để họ đến mà không sợ nguy cơ dịch bệnh", Đức Thuấn, 30 tuổi, cho biết. Chi phí trung bình cho một lần làm đẹp ở tiệm này hơn 5 triệu đồng.
Không chỉ khách hàng sợ lây nhiễm dịch bệnh, các chủ tiệm cũng lo giữ gìn để không nằm trong danh sách F hay có biểu hiện ho, sốt. Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ lượng khách ra vào bằng cách đo thân nhiệt, yêu cầu khử trùng, Hàn Lâm test nhanh ba ngày một lần, chỉ ở trong salon, không ra ngoài.
"Tôi cũng muốn về quê ăn Tết với gia đình", chàng trai Tiền Hải, Thái Bình, nói.
Bên cạnh các salon chọn lọc khách, theo khảo sát của phóng viên VnExpress, tại các tiệm làm tóc nữ bình dân thuộc vùng cam, vùng vàng như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, khách vẫn đông đúc, không đảm bảo giãn cách.
Căn giờ buổi trưa đến salon gần nhà ở Trung Kính, Cầu Giấy, nhưng Nguyễn Thủy, 27 tuổi, phải đợi đến 10 giờ khuya mới được hoàn thiện mái tóc. Sau cô, còn hai người nữa vẫn đang làm. "Mỗi công đoạn tôi phải đợi 30 phút thậm chí cả tiếng đồng hồ. Vì cuối năm nên xác định sẽ đông, muốn đẹp phải chấp nhận", cô nói.
Vì đã tiêm ba mũi vaccine, Thủy thừa nhận không quá lo lắng khi phải tiếp xúc đông người. Trong tiệm chị làm tóc, khách không phải khai báo y tế, không cần đo thân nhiệt hay xịt thử khuẩn.
Cầu Giấy hiện là quận vùng cam (nguy cơ cao, cấp độ 3). Theo nghị quyết Hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, dịch vụ cắt tóc, cơ sở làm đẹp được hoạt động hoặc hạn chế hoạt động ở cấp độ 1, cấp độ 2. Ở cấp độ 3 phải ngừng hoặc hạn chế hoạt động theo quyết định của chính quyền địa phương.
Phạm Nga