From: Huong Duong
Sent: Thursday, April 17, 2008 8:21 AM
Subject: Men gui ban Hoai!
Hoài mến,
Trước tiên chị xin được chia sẻ với nỗi buồn của em, với những tủi hờn mà em đang nếm trải. Qua đây, chi cũng xin cảm ơn em, cảm ơn tất cả những độc giả đã động viên, an ủi và gửi gấm tâm tư, tình cảm của mình từ chính tâm sự của riêng em giúp lòng mình như ấm lại bởi chúng ta cùng cảnh ngộ.
Chị có hoàn cảnh cũng rất gần giống với em. Có chồng hơn 3 năm, có con trai hơn hai tuổi, ra ở riêng hơn một năm. À, mà không phải mới ra ở riêng hơn 1 năm nay đâu mà là vợ chồng chị ra khỏi chính ngôi nhà riêng của chồng chị đã mua từ trước khi cưới 2 năm để ở nhà thuê đó em à. Điều này có nghĩa là mình đã ở riêng mà vẫn không được ở riêng (có khó hiểu lắm không?).
May mắn của chị là không ở cùng cha mẹ chồng nên không phải làm dâu cho cha mẹ chồng, mà chị phải "làm dâu" cho chính mấy đứa em chồng sống nhờ nhà chồng chị. Mặc dù vợ chồng chị từ khi quen biết và đến khi yêu nhau, cho đến khi cưới cũng trải qua thời gian hơn 5 năm và đều được cha mẹ hai bên đồng ý tác hợp. Mình cũng không phải người chỉ biết yêu đương mù quáng hay cân đo, toan tính thiệt hơn mà chỉ mong có một tấm chồng thật sự biết yêu thương, tâm đầu ý hợp.
Và mình đã tìm được một người chồng như thế. Mình cũng chuẩn bị tâm lý cư xử với em chồng như em ruột, hoặc thậm chí còn hơn thế. Mình thương và chân thành và cũng cùng trang lứa như nhau nên chắc là sẽ dễ hòa hợp với cuộc sống mới này thôi. Chị đã không lo ngại gì về mối quan hệ với em chồng cả.
Nhưng tất cả mọi thứ không đơn giản như mình mơ tưởng. Chị như từ chín tầng mây rơi xuống tận cùng của địa ngục ngay trong đêm đầu tiên sau tiệc cưới trở về nhà chồng. Vừa về đến nhà chị đã thấy nét mặt nặng nề, khó chịu đến lạ thường của ba mẹ chồng và mấy đứa em (họ đã bỏ về nhà trước mà không hề ở lại tiễn khách và đợi chúng tôi về).
Cả hai vợ chồng chị còn đang ngơ ngác chưa hiểu cớ sự gì thì ngay lập tức cô em chồng đã vào phòng mang túi xách đựng tiền mừng cưới quăng xuống nền nhà quát lớn "Nè, tiền của mày đó. Cứ đếm kỷ đi coi có thiếu đồng nào không. Tao không thèm lấy cái thứ này đâu". Rồi tiếp: "Tưởng ăn học cho cao, sao mà mất dạy. Đi đâu không biết thưa cha mẹ. Đừng có mà coi thường cha mẹ tao". Ba m chồng chị chỉ ngồi đó mà cũng chẳng nói gì. Chồng chị thì ngăn không cho nói tiếp vì hôm nay là ngày quan trọng trong đời.
Chị thì như chết lặng, nước mắt trào ra, đất dưới chân gần như đang sụp. Chị không giải thích cũng không nói được gì và có hiểu gì đâu mà giải thích. Chị đã định chạy ra đường về ngay với nhà mình hay là cho chiếc xe nào đó chạy ngang qua vô tình đụng chết cho xong. Thế nhưng, chị kịp thời suy nghĩ lại, ba mẹ mình sẽ ra sao nếu biết con gái mình rơi vào hoàn cảnh thế này? Chị không thể làm đau lòng ba mẹ, với lại chưa rõ thực hư ra sao?
Chị đã ở lại ngôi nhà đó trong sự ấm ức và tức nghẹn. Tóm lại, tất cả những chuyện trên chỉ là sự hiểu lầm. Nhưng họ đã hồ đồ, mạt sát không thương tiếc. Cũng sau cái đêm đó chị trở thành người như vô cảm, thấy sợ mọi người trong nhà, không ăn, không uống mà chỉ biết khóc. Sợ luôn cả tiếng điện thoại của người thân gọi đến. Chị chỉ còn một chỗ dựa duy nhất là chồng mình. Anh đã an ủi, động viên và thức trắng đêm đó cùng chị.
Cũng chính từ đó cho chị thấy bản chất thật sự hung dữ của mấy đứa em anh. Và cũng chính từ đó chị không còn biết đến cảm giác yêu đương, là thiên đường, là vị ngọt của hôn nhân, của tất cả những gì mà chị và anh đã giữ gìn và chờ đợi cho đến ngày cưới để có thể được trọn vẹn thuộc về nhau trong niềm hạnh phúc. Nhưng chị đã không hề cảm thấy điều đó mà chỉ thấy toàn đắng chát và trách nhiệm (mặc dù không phải lỗi của chồng chị).
Thời gian trôi qua, chị sống thu mình trong ngôi nhà ấy. Sáng đi làm, chiều về đi chợ, cơm nước, giặt đồ cả cho mấy đứa em chồng (trai có gái có). Anh thấy thương vợ cũng lén giặt phụ với chị. Chúng nó luôn để mắt dò xét mọi cử chỉ hành động của chị. Xem chị rửa chén thế nào, nấu ăn ra sao, lau nhà có sạch không? Mặc dù mấy đứa em không hề có công ăn việc làm gì cả. Mọi chi tiêu trong nhà đều do vợ chồng chị gánh vác.
Rồi 3 tháng sau đó chị đã mang thai. Cái thai hành chị vô cùng mệt nhọc. Mệt thể xác đã đành, mệt tinh thần mới đáng sợ. Mãi đến khi chị sinh con được hơn 1 tháng chị lại càng thấy đau khổ hơn. Bạn bè, người thân hay ai tới chơi, thậm chí bà ngoại hay cậu dì tới đều bị quan sát kỹ và chỉnh sửa từng ly từng tý, bắt bẽ từng lời ăn tiếng nói, dòm ngó như họ đến là để âm mưu lấy mất kho báu gì trong nhà vậy?
Chị thấy mình sống như bị cầm tù, mất tự do, mất không khí để thở. Chị trở nên ít cười, ít nói và sợ khi ở nhà một mình những lúc không có chồng. Chú chồng khen con chị đẹp trai, mũi cao giống Tây là cô em chồng lên tiếng ngay "Bởi vậy, không biết con ai?". Chưa hết, còn cho là chị dụ chồng chị cướp nhà cướp của, cho chồng chị ăn bùa mê thuốc lú nên nghe lời vợ...
Nhiều lần chị đã thấy gần như bế tắc trong cuộc hôn nhân này. Chị thương anh lắm. Anh là người chồng có trách nhiệm và thương vợ con hết mực. Cũng chính từ một con người có trách nhiệm nên cả thời trai trẻ anh đã dành hết tình thương, công sức tiền bạc để lo cha mẹ và nuôi dưỡng em út. Mãi đến hơn 36 tuổi anh mới lập gia đình. Họ chỉ muốn anh sống như thuở độc thân. Nên lắm lúc chị đã nghĩ chia tay anh, trả anh về với ngày xưa, với gia đình anh như chưa từng có vợ và con. Có như vậy anh mới có thể sống yên thân với mấy em anh được.
Nhưng anh không đồng ý. Anh bảo thương chị và tình cảm không gì thay đổi. Bảo các em anh ra ngoài thì anh không nỡ, dù sao cũng tình máu mủ ruột rà. Dạy em anh ư? Cha mẹ luôn là tấm bình phong vững chắc để bảo vệ và cổ vũ cho chúng làm điều ấy. Anh " dạy" em có nghĩa là anh "dạy" cha mẹ anh đó. Anh không dám làm.
Trong một lần bức xúc tột độ, chị không chịu đựng được những lời xúc phạm nhân phẩm mà toàn là những chuyện bịa đặt, chị đã bồng con ra đi về nhà người bà con ở nhờ. Đã đến lúc chị không thề giấu gia đình để giả vờ mình đang sống trong hạnh phúc. Mẹ chị biết chuyện và đã cùng chồng chị muốn gặp người lớn để nói chuyện thực hư thế nào. Nếu thực sự chị có lỗi để phải gây nên hậu quả trên thì mẹ sẽ nhận lỗi vì giáo dục con chưa tốt. Còn chị phải xin nhà chồng tha thứ và quay về. Nếu thật sự chị không có lỗi thì mẹ ủng hộ chị ra đi để còn tinh thần, sức khỏe nuôi con.
Khi mẹ đến cả nhà có đầy đủ các em chồng và có cả má chồng vào chơi. Thật bất ngờ, mấy đứa em sau hàng rào cửa sắt thét vọng ra chửi bới rất nặng lời với mẹ. Họ cho là chị muốn cướp nhà của chồng chị. Và họ cũng không hề mở cửa cho mẹ chị vào để nói phải trái thiệt hơn. Chồng chị cũng không mở cửa được dù chiếc chìa khóa vẫn có trên tay vì họ đã thay ổ khóa khác.
Từ đó vợ chồng chị cùng đứa con ra đi với hai bàn tay trắng, không quần áo, không tiền, không có bất cứ thứ gì. Anh ở tạm nhà bà con anh. Chị ở nhà bà con chị cho đến khi tìm được căn phòng trọ. Dọn về đó với căn phòng trống trơn, chị đi chợ mua ít đồ cần thiết nhất nấu bữa cơm để hai vợ chồng cùng ăn.
Anh nói "Lâu lắm rồi vợ chồng mình mới ăn được bữa cơm như vầy phải không em?". Chị ứa nước mắt trong niềm xúc động và hạnh phúc. Đây mới quả là ngày "tân hồn" của anh chị. Chị như trở lại chính con người thật của mình trong niềm xúc cảm và hạnh phúc, một hạnh phúc đơn sơ mà từ sau ngày có chồng lần đầu tiên chị mới tận hưởng được.
Hiện cuộc sống chị rất tốt. Nhiều lúc chị cảm ơn họ đã mạnh tay khép cánh cửa kia lại là giúp chị mở ra bầu trời mới đầy tươi đẹp. Nếu không đến giờ chắc chị vẫn sống trong đau khổ và tủi nhục.
Kể Hoài nghe câu chuyện của chị với một mong muốn rằng: Hoài hãy mạnh dạn lên, hãy cho mình một quyết định. Hoài hãy ra đi trước khi họ hành động như gia đình chồng chị. Cuộc đời Hoài chưa phải là hết lối thoát. Cháu bé vô tội, là một bé trai nó cần lắm sự chăm sóc của người cha.
Nhiều lúc nhìn hai cha con bé nhà chị đùa giỡn với nhau chị hạnh phúc vô cùng. Chị cảm ơn trời Phật đã cho chị sự nhẫn nhịn, chịu đựng để có ngày hôm nay. Hoài không cần tạo áp lực cho chồng mà hãy để anh ấy bình tâm suy nghĩ lại. Có thể còn sống chung dưới một căn nhà, dưới áp lực của mẹ, anh cũng đau khổ và dằn vặt "bên tình, bên hiếu" nên đôi lúc trở thành nhu nhược để làm vui lòng mẹ, mất lòng Hoài.
Về kinh tế, Hoài đã không lo thì ngại gì không ra ở riêng? Chỉ cần 2 mẹ con trong lúc này cũng không phải là vấn đề lớn. Sau đó, hãy để tiếng gọi con tim anh lên tiếng. Khi xa nhau người ta sẽ nghĩ ra được nhiều điều thấu đáo hơn. Anh chọn trọn đời sống với mẹ hay cùng Hoài xây dựng lại hạnh phúc và nuôi con trưởng thành? Hoài hãy cho anh thời hạn cụ thể để anh quyết định.
Nếu anh chọn cùng với Hoài đi tiếp con đường còn lại thì Hoài cũng cần xây dựng cho mình một người vợ, người mẹ tốt, chăm yêu con và quyến rũ trong mắt chồng. Khi đó, mọi mâu thuẫn phía sau của gia đình đã được xóa mờ thì cảm xúc sẽ tự đến, tình yêu sẽ sống lại và sẽ thăng hoa. Còn nếu anh không làm như thế, thì lúc đó hãy ly hôn để giải thoát cho nhau. Là một người mẹ tốt còn hơn một người mẹ sống trong nhà cao cửa rộng mà không có lấy chút tinh thần để nuôi con trưởng thành tốt được. Rồi con sẽ hiểu bạn và nó cũng chẳng buồn vì mất người cha vô trách nhiệm và nhu nhược.
Chúc Hoài đủ nghị lực và niềm tin để vượt qua con sóng này. Một lời nhắn nhủ cho Hoài cũng là cho chính mình: Sau này con lớn, chúng ta cũng sẽ trở thành mẹ chồng. Nhưng hãy làm một mẹ chồng thông minh và độ lượng. Hãy thương con dâu để giữ con trai và được ban tặng thêm đàn cháu. Đừng sống ích kỹ để rồi tự dằn vặt bản thân. Có sướng gì không khi thấy con mình đau khổ?
Mẹ chồng, em chồng hay nàng dâu cũng đều trải qua cuộc đời làm dâu và đều là phận gái hết mà. Tại sao chúng ta phải làm khổ nhau chi vậy?
Hướng Dương