Ngày 9/5, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam), cho biết trước nhu cầu cấp thiết của hàng trăm hộ dân ở làng Tu Nương và Tăk Rối (thôn 4, xã Trà Tập) hàng ngày phải mạo hiểm vượt sông bằng săm ôtô, huyện đã gấp rút khảo sát địa điểm và sẽ khởi công xây cầu treo dân sinh qua đây trong tháng 6 này.
Theo đó, cầu treo được thiết kế dài 100 m, rộng 3,5 m nối quốc lộ 14B với nóc Tăk Rối. Đây là công trình do Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp đầu tư, kinh phí khoảng 4 tỷ đồng. Cầu dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm nay.
Theo ông Bửu, huyện miền núi Nam Trà My địa bàn hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối nhưng đến nay cả huyện mới chỉ có 34 cầu treo, trong đó có đến 27 chiếc được xây dựng lâu năm nên thường xuyên phải đầu tư sửa chữa.
|
Mỗi lần đi ra ngoài về, người dân phải đứng bên này sông hét thật to để thanh niên trong làng mang săm xuống đẩy qua. Ảnh. Nguyễn Tiến. |
"Trong đợt khảo sát vừa qua, trên địa bàn còn 15 điểm cần được đầu tư xây dựng cầu gấp. Tuy nhiên do nguồn vốn hạn hẹp, năm nay huyện chỉ cố gắng hoàn thành được 2 cây cầu treo ước tính khoảng 8 tỷ đồng, trong đó ưu tiên điểm qua làng Tăk Rối, nơi người dân bất chấp nguy hiểm vượt sông bằng săm ôtô mỗi ngày", vị chủ tịch huyện nói và cho hay trước mắt huyện sẽ sắm đò phục vụ việc đi lại của người dân 2 ngôi làng này trước khi cầu hoàn thành.
Làng Tăk Rối và Tu Nương với hơn 70 hộ dân người Ca Dong sống dọc bên bờ sông Tranh, bị ngăn cách với bên ngoài bởi dòng sông sâu, nhiều gềnh đá. Trước đây người dân ở 2 ngôi làng này vẫn thường bơi qua sông rộng khoảng 70 m để ra quốc lộ 14B, thay vì mất 6 tiếng vượt qua những ngọn núi cao chót vót mới tới được trung tâm xã.
Khoảng 5 năm trở lại đây, sau nhiều cái chết thương tâm khi bơi qua sông, dân làng nghĩ ra cách dùng săm ôtô bơm căng rồi gác thanh gỗ lên trên vận chuyển người và đồ đạc vượt sông. Những thanh niên trẻ khoẻ thường được nhận nhiệm vụ bơi phía sau đẩy săm. Mùa mưa lũ, nước sông chảy xiết nên tai nạn xảy ra liên tục...
Ông Hồ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho hay, xã cũng đã tính sắm đò để phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con nhưng người dân ở đây chủ yếu là hộ nghèo, không có tiền đóng phí đò nên vẫn chưa thực hiện được.
Tiến Hùng