Thứ tư, 24/4/2024
Thứ bảy, 26/3/2022, 07:00 (GMT+7)

Làm bàn ghế, đắp tượng từ bìa carton

Bình DươngTừ bìa carton xin ở cửa hàng tạp hóa, Nguyễn Hoàng Hải tạo ra tượng Phật, bàn ghế hình con vật… có giá cả chục triệu đồng.

Bốn năm trước, Nguyễn Hoàng Hải, 38 tuổi, ở phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một biết đến việc tạo ra bàn ghế bằng bìa carton từ một người đàn ông Pháp.

“Ông ấy thuê một góc xưởng gỗ nơi tôi làm việc và chế tạo ra những tác phẩm từ bìa carton, kết dính bằng hỗn hợp bột giấy và keo”, Hải kể và học cách làm thử từ đó.

Hải học được từ người đàn ông Pháp cách dùng hỗn hợp bột giấy carton để đắp lên khung, những khâu còn lại như phác thảo hình mẫu, chà nhám sản phẩm…. anh đều tự mày mò theo trí tưởng tượng, hỏng đâu sửa đó.

Những mô hình được Hải cắt, dán từ thùng carton với nhiều hình dáng, được chế tác thành ghế ngồi, bàn uống nước. Ngoài ra còn một số tác phẩm chuyên làm đồ trang trí để bàn hoặc treo tường.

Quy trình để tạo nên một tác phẩm từ bìa carton trải qua 5 bước. Đầu tiên, Hải phác thảo hình cần làm theo đúng tỷ lệ lên bìa carton. Vật liệu này anh xin hoặc thu mua từ những cửa hàng tạp hóa, vựa ve chai nên giá thành rẻ, dễ tìm.

Bước tiếp theo là lắp ghép các bìa carton bằng keo để tạo thành bộ khung (làm cốt). Khi bộ khung hoàn thiện, để tạo độ chắc chắn cho tác phẩm, anh đắp thêm một lớp bìa carton mỏng ở phía ngoài, với mục đích dễ uốn nắn cũng như tạo độ mềm mại cho tác phẩm.

Bước thứ ba là trộn bột giấy carton với bột trát tường và bột năng đã nấu chín, thêm keo sữa tạo ra hỗn hợp đắp lên bộ khung để tạo hình. Trước khi đắp, còn quét lên cốt một lớp keo sữa để tạo độ kết dính. Hỗn hợp sau khi đắp lên, cần thời gian để khô. Tùy theo độ to nhỏ của sản phẩm và thời tiết, trung bình mất 7 ngày để sản phẩm khô hoàn toàn. Sau đó Hải bắt đầu chà nhám, sơn thêm 2 lớp sơn PU tạo độ bóng đẹp.

Thoạt nhìn khó nhận ra sản phẩm làm thủ công vì chúng được làm tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Những sản phẩm được làm từ bìa carton và bột giấy nên rất nhẹ, chỉ vài kg nên dễ dàng di chuyển. Hơn nữa sản phẩm không bị hỏng khi gặp nước bởi được kết dính từ những nguyên liệu chống nước.

Con cua trong ảnh được sử dụng như một chiếc ghế. Sản phẩm này Hải hoàn thiện trong 2 tuần, giá bán 6 triệu đồng.

Tất cả mô hình được Hải làm bằng tay, từ khâu cắt dán cho đến đắp bột lên khung… đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ và quan sát kỹ càng.

“Khó nhất là lên kích thước phù hợp, cắt, uốn để không bị gấp khúc, gãy và đắp bột giấy không thấy vết”, anh nói.

Những ngày đầu làm sản phẩm, nhiều đêm anh phải thức trắng. “Làm con hà mã sắp xong thì đầu nó rụng mất, mấy tuần làm coi như đổ sông đổ biển”, Hải nói.

Sau hàng chục lần không thành công, anh rút ra được nhiều kinh nghiệm, áp dụng cho những lần tạo hình sau này.

Tính đến nay, Hải đã làm ra hàng trăm sản phẩm, từng xuất sang Pháp một container, nhận được đánh giá cao của khách hàng.

Giá mỗi sản phẩm của anh dao động từ 3-14 triệu tùy vào độ to nhỏ cũng như công năng của sản phẩm. Mỗi tháng anh chỉ làm 2-3 sản phẩm vì tất cả đều làm thủ công, muốn nhanh hơn cũng không thể. “Tôi cũng không thích làm đại trà để giữ lại sự độc lạ của sản phẩm”. Hiện tất cả các khâu Hải cũng chỉ làm một mình.

Ngoài những sản phẩm con vật có kích thước lớn để làm ghế, bàn, Hải còn làm những sản phẩm nhỏ hơn làm vật trang trí.

Đôi khi hoàn thành xong tác phẩm, anh thích quá không muốn bán. “Để tạo ra một tác phẩm ưng ý cần sự sáng tạo, tìm tòi cũng như kiên trì của người làm. Bởi vậy có những tác phẩm tôi chỉ muốn giữ lại cho mình", anh nói.

Những ngày dù không có khách hàng đặt, nếu trong đầu có ý tưởng mới, anh lại bắt tay vào làm để thỏa mãn đam mê. Hoàng Hải nói, anh hy vọng những sản phẩm của mình sẽ truyền cảm hứng cho những người có khả năng sáng tạo và khuyến khích dùng vật liệu tái chế để bảo vệ môi trường.

Hải Hiền
Ảnh: Nhân vật cung cấp