Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội. Ảnh: Hà Anh. |
- Vài ngày qua, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ đình công tập thể của nhiều hãng taxi lớn. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Tôi cho rằng nguyên nhân số một là chưa đáp ứng được quyền lợi của tài xế. Hiện nay, giá cước thông thường tăng khoảng 2.000 đồng một km. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ 1.000 đồng một km. Nhiều tài xế đặt ra câu hỏi, vậy số tiền còn lại ở đâu, sử dụng vào việc gì? Khi số tiền đó không lý giải được, lái xe bức xúc và xảy ra hiện tượng tụ tập, đình công.
- Để giải quyết bài toán đó, lãnh đạo các công ty phải làm gì?
- Họ phải giải thích rõ những yếu tố ảnh hưởng đến tăng giá cước và làm rõ bài toán "ăn chia" giữa doanh nghiệp và lái xe. Theo tôi, có 3 yếu tố nếu doanh nghiệp giải thích kỹ sẽ không có chuyện đình công, đó là chi phí xăng dầu, chi phí lãi suất cũng như chi phí phụ tùng và bảo dưỡng xe.
Cuối tháng 7, hàng loạt lái xe taxi ở Hà Nội đình công đòi đòi quyền lợi. Ảnh: Hà Anh. |
- Mỗi lần tăng giá cước taxi thường có những cuộc đình công diễn ra. Hiệp hội có vai trò gì trước những vụ đình công đó?
- Vấn đề đình công của tập thể lái xe taxi từng xảy ra. Nếu xử lý không khéo sẽ dẫn đến đình công theo phản ứng dây chuyền. Hiệp hội đã khuyến cáo nhiều lần kể từ khi xăng bắt đầu tăng giá. Chúng tôi đã dự đoán mức cước sẽ tăng lên 1.500-2.000 đồng mỗt km để các cơ sở dựa vào đó tính toán. Nhưng rất tiếc, không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thức đủ và xử lý kịp thời nên đã xảy ra tình trạng trên.
Qua đây, chúng tôi thấy cần có những bảng phân tích gửi cho các giám đốc để họ giải thích cho lao động. Có thực tế là xảy ra tình trạng đình công hầu hết ở những doanh nghiệp có quá nhiều kinh nghiệm. Điều này khiến lãnh đạo doanh nghiệp cũng như chúng tôi hơi chủ quan.
- Nhiều doanh nghiệp cho rằng chưa giải thích kịp thời cũng như có biện pháp cụ thể vì thiếu những thông tin cần thiết. Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, ông nghĩ sao về ý kiến trên?
- Người lao động cần gì các doanh nghiệp phải trả lời đúng, đủ. Hiện có hai thứ lái xe cần được bù lỗ, đó là xăng dầu và trượt giá. Còn bù ở đâu, đó là chuyện của doanh nghiệp.
Nếu các doanh nghiệp tư duy được họ thành công là nhờ lao động, mọi chuyện sẽ rất dễ dàng. Nếu "ăn chia" chưa đúng, chưa đủ thì phải thông báo rõ cho lao động và sau đó phải có biện pháp bù lỗ cho anh em lái xe. Nếu giải quyết thỏa đáng, sẽ không có chuyện đình công tập thể.
Hà Anh - Xuân Tùng thực hiện