Tại lễ trao huân chương ở Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, ông Thức cho biết rất hạnh phúc khi được Đảng, nhà nước, người dân quan tâm, giúp đỡ. Chính lòng hảo tâm của đồng nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã giúp gia đình ông vượt qua những ngày khó khăn nhất.
"Tôi chỉ có một mong muốn, đó là nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa đến hành lang an toàn giao thông đường sắt. Còn người dân, trước khi qua điểm giao cắt với đường sắt, xin hãy dành một phút dừng lại và quan sát hai phía, khi thấy an toàn hãy băng qua", ông Thức nói.
Ông Thức nhận huân chương dũng cảm của Chủ tịch nước trao tặng. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Ông Hoàng Ngọc Trìu, Giám đốc xí nghiệp đầu máy Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi rất tiếc vì đã mất đi một lái tàu tận tụy với nghề. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tự hào vì anh Thức đã thể hiện được đạo đức của người tài xế, trong mọi tình huống vẫn cầm chắc tay lái, làm tốt công tác an toàn".
Theo ông Trìu, năm 2006, tài xế Trương Xuân Thức đã được Tổng công ty đường sắt Việt Nam công nhận và tặng danh hiệu "Kiện tướng lái tàu an toàn" lần 2. Đến trước khi xảy ra sự cố tai nạn tại Duy Tiên, Hà Nam, số kilomet an toàn của ông Thức cũng xấp xỉ đạt kiện tướng lần thứ 3.
Trước đó sáng 6/8, khi đang lái đoàn tàu Thống Nhất lưu thông qua huyện Duy Tiên (Hà Nam), bất ngờ thấy xe tải nhấn ga vượt qua đường tàu khi khoảng cách chỉ còn 100 m, ông Thức đã chấp nhận bị thương để cứu đoàn tàu. 3 toa đầu bị lật, hơn 300 hành khách bình an, nhưng người lái tàu bị thương nặng, phải cắt một phần cánh tay, gẫy chân phải và toàn thân chịu sức ép.
Hiện tại, ông Thức đã đi lại được, nhưng vẫn chưa hoàn toàn bình phục để trở lại xí nghiệp. Giám đốc Trìu cho biết, công việc nhẹ nhàng như thống kê, chấm công... cơ quan vẫn dành sẵn cho ông Thức, chỉ chờ ông đến nhận việc.
Hoàng Thùy