Anh Đào Nguyên Ngọc, lái tàu Thống Nhất từng đâm ôtô chở đám cưới làm chết 9 người tại địa phận Thường Tín (Hà Nội) tháng 11/2009 cho biết, sáng hôm đó anh và một số công nhân đang làm việc tại xưởng bảo dưỡng. Nghe tin tàu TN6 bị lật, tài xế kẹt cứng trong cabin bẹp gí, anh bàng hoàng.
* Clip khắc phục sự cố lật tàu |
"Nhiều tháng nay, tôi cố nén lòng không nhớ lại những ký ức đáng sợ hồi tháng 11 năm ngoái. Nhưng khi nghe tin tàu do anh Thức điều khiển đâm phải ôtô lật nghiêng, trong tâm trí tôi những hình ảnh cũ hiện về và cảm thấy rất hoang mang, lo sợ", anh Ngọc buồn rầu nói.
Một tuần sau khi xảy ra sự việc tàu TN6 đâm xe chở cát lật nghiêng, nhiều tài xế vẫn tụ tập bàn tán, lo lắng.Ảnh: Xuân Tùng |
Ngồi bên cạnh anh Ngọc, anh Đặng Trường Giang, tài xế có gần 30 năm gắn bó với những cuộc hành trình Bắc - Nam bộc bạch, khi nghe tin tàu TN6 do anh Thức điều khiển gặp nạn, rất nhiều công nhân, lái tàu mặc dù đang nghỉ ở nhà cũng đến cơ quan nghe ngóng tình hình. Không ít người gấp rút đi xe máy xuống Hà Nam để giải cứu đồng nghiệp.
Anh Giang kể, cách đây hơn 2 tuần, tàu do anh điều khiển khi chạy đến Thường Tín cũng đâm một ôtô 45 chỗ chở các cụ đi lễ. May mắn do xe chết máy, các cụ đã xuống hết nên xe không có người. "Lúc chuẩn bị đâm ôtô, tôi chỉ cầu mong có một phép màu dừng đoàn tàu lại thì hạnh phúc biết bao. Nhìn đoàn tàu phóng đi mà tôi thắt ruột vì bất lực", anh Giang nói, giọng bỗng nghẹn lại, mắt đỏ hoe.
Vừa lái tàu TN6 chạy tuyến Hà Nội - TP HCM về, anh Tạ Đắc Chi, cho biết: "Sau khi anh Thức gặp nạn, tôi là người đầu tiên điều khiển chuyến tàu TN6 chạy vào TP HCM, lúc nào cũng lo sợ và luôn phải căng mắt để quan sát trên đường. Về tới ga Hà Nội, tôi mới cảm thấy an toàn, chứ còn trên đường một km nào là còn lo lắng".
Hiện trường vụ lật tàu sáng 6/8.Ảnh: Quang Xuân |
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Xí nghiệp toa xe Hà Nội cho biết, việc liên tiếp xảy ra các vụ va chạm giữa ôtô và tàu hỏa mấy năm gần đây đã khiến anh em lái tàu rất hoang mang. Sau mỗi vụ tai nạn, vẻ lo sợ hiện rõ trên gương mặt của họ. Không ít người tìm gặp lãnh đạo tâm sự.
"Chúng tôi cũng rất lo lắng vì có quá nhiều đường sắt giao cắt với đường ngang dân sinh tự phát, nếu chỉ một ngành đường sắt sẽ không thể giải quyết nổi. Trong lúc chờ đợi các ngành, địa phương vào cuộc, chúng tôi chỉ còn biết động viên và trấn an tinh thần anh em để họ làm việc", ông Thông nói.
8h30 sáng 6/8, trong lúc cố băng qua đường sắt, một xe ben chở cát đã bị đoàn tàu TN6 chạy từ Nam ra Bắc húc và đẩy đi xa khoảng 50 m. Xe tải nát bươm, đầu tàu và 2 toa xe liền kề chứa máy phát điện và hành lý bị lật. Lái chính, lái phụ đoàn tàu và tài xế xe tải đều bị thương.
Vụ tai nạn đã làm ách tắc giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua Hà Nam, gián đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam khiến 12 chuyến tàu bị trễ giờ.
Trưa 22/11/2009, tại huyện Thường Tín (Hà Nội), xe khách 30 chỗ đang chở một đám ăn hỏi khi qua đường ngang giao cắt với đường sắt đã bị tàu hỏa TN1 Hà Nội - TP HCM húc bẹp, làm 9 người chết. Sáng 12/1/2010 khi băng qua đường ngang giao cắt với đường sắt ở phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), một nữ sinh trường cao đẳng cũng bị tàu hoả đâm, kéo lê 20 m. Mới đây nhất, chiều 27/7/2010, đang chạy từ quốc lộ 1A cắt ngang đường sắt vào Ngọc Hồi (Hà Nội), taxi chở 5 người bị tàu hỏa đâm, kéo lê 30 m. 3 người chết tại chỗ. |
Xuân Tùng