Đây là chia sẻ của ông Trần Xuân Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông tại hội nghị triển khai các giải pháp hạn chế tín dụng "đen" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới tổ chức.
Đánh giá về tình hình tín dụng "đen" hiện nay, ông Hải cho rằng diễn biến của loại hình này đang ngày càng phức tạp, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Theo báo cáo của Công an tỉnh Đăk Nông, hiện trên địa bàn tỉnh có 186 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó có 38 cơ sở với 38 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến tín dụng "đen".
Các đối tượng chủ yếu dùng tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người vay như vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay. Tuy nhiên người vay trên thực tế phải trả lãi suất rất cao, từ 282 đến 365% mỗi năm. "Nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con. Khi đó, các đối tượng này dùng nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động, gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ ", Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho biết.
Đánh giá thực trạng chung của loại hình tín dụng này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng tín dụng các ngành kinh tế cho rằng mặc dù có đến 78 ngân hàng, công ty tài chính và hàng nghìn quỹ tín dụng nhân dân, song thời gian qua tình hình tín dụng "đen" vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên.
Một phần nguyên nhân, theo đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế, là do các khách hàng chính là công nhân các khu công nghiệp, người lao động nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cư trú không ổn định, thu nhập bấp bênh, không chứng minh được khả năng trả nợ nên khó khăn cho các tổ chức tín dụng khi thẩm định cho vay. Bên cạnh đó, việc triển khai các sản phẩm cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách vẫn còn nhiều hạn chế dẫn tới nhu cầu sử dụng tín dụng "đen" vẫn còn cao.
Riêng tại tỉnh Đăk Nông, Phó chủ tịch Trần Xuân Hải cho rằng nhu cầu tín dụng tiêu dùng của tỉnh là rất lớn và ngày càng tăng cao, tuy nhiên người dân tại một số địa bàn nông thôn, các đối tượng nghèo, chính sách chưa tiếp cận được vốn ngân hàng do tài sản bảo đảm là đất rẫy chưa được cấp quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, do nguồn thu nhập không ổn định, hạn chế về trình độ nhận thức nên người dân phát sinh tâm lý ngại tiếp xúc với ngân hàng do sợ thủ tục phức tạp.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tín dụng tiêu dùng của người dân, tuy nhiên do địa hình tỉnh rộng lớn và hiểm trở, dân cư thưa thớt, phân bố không đồng đều gây khó khăn trong việc khách hàng tìm đến ngân hàng và ngân hàng thẩm định cho vay.
Trước những diễn biến phức tạp của loại hình tín dụng "đen", nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý đưa ra, trong đó một trong những yêu cầu với hệ thống ngân hàng là triển khai những nhóm sản phẩm để giải quyết nhu cầu vay cấp thiết của khách hàng với quy mô khoản vay nhỏ, giảm sự lệ thuộc vào dòng vốn từ tín dụng "đen".
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết ngân hàng này đã dành ra trong cơ cấu tín dụng hàng năm 20.000-30.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng.
Trong số này, Agribank dành riêng 5.000 tỷ đồng mỗi năm để hướng tới nhóm khách hàng có những nhu cầu vay cấp bách dưới 30 triệu đồng. "Với những khách hàng trong nhóm này, chúng tôi sẽ giải quyết theo hướng nhanh, bởi nếu không giải quyết kịp thời thì có thể những khách hàng này hoặc người dân sẽ vướng phải tín dụng đen", ông Vượng nhận định.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng đã tăng cường cho vay không chỉ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tập trung cho vay tiêu dùng. Tính trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung bình quân là 16,4%, nhưng riêng tốc độ tín dụng cho vay tiêu dùng tăng tới hơn 41%. Như năm 2018, một số địa phương có tốc độ tín dụng tiêu dùng tăng rất nhanh, điển hình là TP HCM, Thái Bình, Lâm Đồng... tăng trên 50% so với cuối năm 2017.
Minh Sơn