Từ đầu tháng 7, 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank hạ lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn một năm từ 6,5% xuống 6%. Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tại các ngân hàng tư nhân khác cũng giảm 0,4-0,8%.
Cách đây một tháng, nhiều nhà băng cũng sẵn sàng trả lãi suất cao nhất lên tới 8,3% cho khoản tiền gửi kỳ hạn 1 năm giá trị dưới 1 tỷ thì nay chỉ có mỗi SCB đang trả mức 8% với điều kiện gửi online.
Với kỳ hạn dưới 6 tháng, tuy chưa có sự giảm xuống đồng loạt toàn hệ thống nhưng nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, HDBank, VPBank, TPBank đã mạnh tay giảm 0,15-0,3%.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, động thái trên chủ yếu là để một số nhà băng cơ cấu lại nguồn vốn huy động hợp lý hơn. Ngoài ra, hạ lãi suất đầu vào cũng là cơ hội để ngân hàng có thể điều chỉnh đầu ra, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã có nhiều đợt giảm lãi suất vì nhu cầu cho vay sụt giảm. Theo đó, dù đã hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng trong nửa đầu năm vẫn khó giải ngân do cầu tín dụng của nền kinh tế suy giảm.
Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng rơi vào trạng thái thừa tiền, các nhà băng liên tục giảm lãi suất tiết kiệm, cũng một phần để hạ tiếp mặt bằng lãi suất cho vay – kích cầu tín dụng.
Dưới đây là thống kê lãi suất tiết kiệm cao nhất tại top các ngân hàng trả lãi cao, được thực hiện đến ngày 3/5, áp dụng khoản tiền dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn một năm trở xuống, bao gồm gửi tại quầy và online.
Mức lãi suất này là niêm yết chính thức, không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với từng khách (khách quen, VIP, gửi tiền nhiều). Do lãi suất gửi online thường cao hơn 0,1-0,3%, thậm chí tới 0,8% so với khi gửi tại quầy nên kết quả thống kê đa phần là lãi suất gửi online.
Quỳnh Trang