Cuối năm thường là thời điểm ngân hàng cạnh tranh khốc liệt để huy động vốn, dự phòng cho thanh khoản. Nhưng thay vì phải nắn gân chuyện vượt rào lãi suất huy động, năm nay, Ngân hàng Nhà nước lại vừa ban hành văn bản chấn chỉnh việc phá giá lãi suất cho vay. Theo nhà điều hành, một số ngân hàng cố tình cho vay với mức lãi thấp hơn cả huy động, có biểu hiện kinh doanh không lành mạnh.
Lãnh đạo một ngân hàng cũng cho VnExpress biết, tại những cuộc họp "giao ban" ngành gần đây, các ngân hàng đã bắt đầu "tố" nhau về chuyện lôi kéo khách hàng tốt.

Doanh nghiệp khỏe mạnh, có dòng tiền vào ra ổn định được ngân hàng đặc biệt ưu đãi. Ảnh: Anh Quân.
Giữa lúc ế vốn, tín dụng khó đẩy ra được mà tìm được doanh nghiệp tốt, nguồn thu nhập ổn định quả là mong mỏi của người cho vay. Bởi điều này đồng nghĩa dư nợ tín dụng tăng, tỷ lệ nợ xấu giảm. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có thế mạnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết: "Thế nên các ngân hàng cố lao vào bằng mọi giá, có doanh nghiệp được chào vay 5% một năm. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra với các khách hàng thực sự tốt".
"Khách tốt" ở đây được các nhà băng lý giải là những doanh nghiệp mạnh, phần nhiều là các tập đoàn kinh tế nhà nước, tư nhân có doanh thu ổn định, lượng tiền gửi và tần suất sử dụng dịch vụ lớn. Do đó, việc phá giá, nếu có xảy ra, theo lãnh đạo một ngân hàng, thường rơi vào các ngân hàng mạnh về bán buôn hoặc những đơn vị tín dụng tăng trưởng thấp.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, nói các nhà băng này "phá giá" là hơi quá. Ông Đặng Bảo Khánh - Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank) phân tích, nếu tính toán tổng thể lợi ích so với rủi ro từ một khách hàng tốt đó sẽ thấy họ có thể không "phá giá" mà đang cạnh tranh rất thị trường.
Ông Khánh lấy ví dụ, với doanh nghiệp tốt là công ty con của một tập đoàn kinh tế, cho vay lãi suất 5% ngân hàng vẫn có thể cười tươi bởi đi kèm với đó là dòng tiền qua tài khoản vào ra ổn định, tiền gửi tốt cộng thêm phí thu được từ các dịch vụ khác. Đương nhiên với điều kiện tiên quyết ở đây là khách phải giao dịch phần lớn tại ngân hàng này.
"Ngân hàng nội địa gần đây mới thay đổi chứ với nhà băng nước ngoài, bạn muốn lãi suất rẻ cũng được, miễn có thể mang lại dòng tiền và thu nhập từ các dịch vụ đi kèm. Người cho vay chịu lỗ một chút về tín dụng nhưng sẽ lãi nhiều hơn ở các mảng khác", ông Khánh nói.
Vị tổng giám đốc này cũng ví von: "Giống như khi đi chợ, người bán cá đồng ý bán con cá rô cho bạn rẻ hơn để bạn lấy thêm con cá chép còn lại. Đơn giản vì họ đã nhẩm tính được tổng lợi nhuận thu được từ bạn cao hơn".
Chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, nếu quả thật ngân hàng chỉ phá giá, tranh giành khách hàng tốt thì đó là chuyện bình thường. Theo ông, đó là thể hiện của sự cạnh tranh mang tính thị trường.
Trao đổi với VnExpress.net, một quan chức của Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, có hiện tượng này nhưng xảy ra không nhiều. Tuy nhiên, nhà điều hành vẫn phải "tuýt còi" và thanh tra để đảm bảo những đồng vốn của hệ thống tìm được nơi trú ẩn an toàn, tránh tình trạng cho vay dễ dàng, chi phí thấp nhưng rủi ro.
Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, ông Phan Huy Khang bổ sung, sở dĩ Ngân hàng Nhà nước ra văn bản này là để đưa đồng vốn với một chi phí hợp lý vào sản xuất, tránh tình trạng vốn chỉ chảy lòng vòng từ nơi này sang nơi khác mà không đến được nơi cần hỗ trợ. Theo ông, nếu khách của người kia, mình sang kéo về thì không nên. Thực tế, đã có tình trạng ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp đáo hạn khoản vay cũ cho đối thủ để lôi kéo khách về bên mình.
Thanh Thanh Lan