Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ngày 5/10 giao dịch ở mức 1,32% một năm, cao hơn 1 điểm % so với tuần trước và là mức cao nhất ba tháng qua.
Các kỳ hạn khác, lãi suất cũng tăng mạnh so với một tuần trước, cụ thể kỳ hạn 1 tuần từ 0,35% lên 1,55%, kỳ hạn 2 tuần từ 9,55% lên 1,89%...
Lãi suất liên ngân hàng là lãi suất vay vốn của các ngân hàng với nhau thông qua thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) khi các nhà băng thiếu lượng tiền dự trữ tại Ngân hàng Nhà nước (mỗi ngân hàng đều phải duy trì một tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc theo quy định). Nếu mức lãi suất này duy trì ở ngưỡng cao phản ánh thanh khoản của hệ thống khá hạn chế, điều này có thể gây áp lực lên lãi suất huy động và cho vay tại thị trường dân cư (thị trường 1).
Lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng bật tăng trở lại trong một tuần gần đây, sau động thái hút tiền qua kênh tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước.
Sau nhiều tháng dừng hoạt động, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hút tiền qua kênh tín phiếu trong gần 2 tuần qua. Trong 12 phiên giao dịch, nhà điều hành đã hút ròng khỏi thị trường liên ngân hàng hơn 140.000 tỷ đồng qua phát hành tín phiếu với lãi suất trúng thầu tăng dần, từ mức 0,7% lên khoảng 1,3% một năm.
Động thái này theo giới chuyên gia, nhằm giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh lãi suất, còn được gọi là "carry trade" khi thanh khoản dư thừa, chênh lệch lãi suất VND - USD duy trì ở mức cao 4-5 điểm %.
Trước đó, lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu kể từ tháng 5, về ngang ngửa mức thấp kỷ lục giai đoạn Covid-19, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào, tăng trưởng tín dụng ảm đạm.
Trong tháng 8 và tháng 9, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm duy trì ở vùng 0,2% một năm. Việc lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn ngắn xuống thấp cho thấy xu hướng "tiền rẻ" chiếm ưu thế trên thị trường ngân hàng. Trong đó, nguyên nhân chính đến từ việc thanh khoản hầu hết nhà băng dư thừa.
Quỳnh Trang