Một tháng trở lại đây, các ngân hàng liên tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động, thậm chí thay đổi theo từng tuần. Mức lãi suất huy động 10% xuất hiện tại một số nhà băng, dưới dạng niêm yết chính thức hoặc chương trình ưu đãi - nhưng cũng không đòi hỏi số tiền gửi quá lớn.
Tại biểu "Lãi suất tiết kiệm An Phú cập nhật ngày 22/11 dành cho khách hàng mới", Ngân hàng Quốc dân (NCB) trả mức lãi suất lên tới 10,35% cho khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12 tháng với khoản tiền gửi chưa tới 1 tỷ đồng. Khách hàng gửi 6 tháng qua ứng dụng ngân hàng này cũng được hưởng lãi suất lên tới 10% một năm.
Saigonbank sáng 25/11 cũng nâng lãi suất huy động lên 10,5% áp dụng cho khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên còn lại được nhà băng này trả 10% một năm.
Một số đơn vị khác trên thị trường như SHB, Nam A Bank... cũng sẵn sàng trả mức lãi suất quanh 10% một năm cho khoản tiền gửi chỉ vài trăm triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng. Để hút tiền gửi, phần lớn nhà băng có các "chương trình ưu đãi" với lãi suất cao hơn nhiều biểu niêm yết chính thức, cũng không đòi hỏi số tiền gửi giá trị lớn.
Như tại MSB, lãi suất online dành cho khách hàng mới gửi kỳ hạn 12 tháng lên tới 9,8%. Với khoản tiền gửi 15 tháng, lãi suất dành cho khách hàng mới tại nhà băng này là 9,9% một năm, số tiền yêu cầu tối thiểu chỉ 1 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hơn chục nhà băng trên thị trường đang trả lãi suất trên 9% một năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng như Kienlongbank, GPBank, BaoVietBank, PGBank, OCB, VPBank, VietBank, Sacombank, SeABank... Tại nhóm ngân hàng quốc dân, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng xấp xỉ mức 8% một năm.
Còn với kỳ hạn dưới 6 tháng, phần lớn ngân hàng đang trả mức kịch trần 6% một năm, ngoại trừ BIDV, AgriBank, Vietcombank, BacABank, CBBank.
Dưới đây là mức lãi suất sắp xếp từ cao tới thấp được niêm yết chính thức (cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng), không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với khách quen, VIP, gửi tiền giá trị lớn.
* Ngoài lãi suất, người gửi tiền nên quan tâm: uy tín, chất lượng tài sản và dịch vụ ngân hàng
Lãi suất huy động tăng mạnh gần đây trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng kém dồi dào.
Tính đến hết tháng 10, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%. Từ con số này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn. Tính chung cả ngành, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau. Do đó, để đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, các ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào, ông Hùng lý giải.
"Room" tín dụng đã cạn nhưng hiện nay một số ngân hàng vẫn quyết liệt chạy đua hút tiền gửi trong bối cảnh thanh khoản căng thẳng. Thực trạng này theo lãnh đạo của một nhà băng lớn, xuất hiện ở các đơn vị liên quan nhiều đến trái phiếu và bất động sản. Thị trường trái phiếu chững lại sau khi một số doanh nghiệp bị khởi tố và các quy định siết chặt của Nghị định 165, đang ảnh hưởng dây chuyền tới một số nhà băng. Làn sóng doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn và một số doanh nghiệp khó phát hành thêm trái phiếu khiến một lượng tiền của ngân hàng bị "mắc kẹt" trong đó, lãnh đạo này cho hay.
Chỉ trong chưa đầy hai tháng, lãi suất huy động từ 6 tháng trở lên đã tăng từ 1,5% đến 2,5%, tuỳ nhà băng. Kéo theo đó, mức lãi suất cho vay thả nổi dự kiến điều chỉnh lên 15% với nhóm khách hàng cá nhân và 11-12% với khách hàng doanh nghiệp. Áp lực sẽ ngày một đè nặng lên vai doanh nghiệp và người dân đi vay.
Quỳnh Trang