Thông tin được nêu trong dự thảo lần 4 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Dự thảo vừa được Bộ Công an trình Chính phủ để ban hành Nghị định, dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2025.
So với dự thảo lần trước và quy định hiện hành, hàng loạt mức xử phạt của nhiều hành vi được đề xuất tăng cao, có trường hợp gấp gần 30 lần, với một số nhóm hành vi liên quan quy tắc giao thông trên đường cao tốc và hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.
Theo dự thảo, người điều khiển ôtô hoặc các loại xe tương tự sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng nếu thực hiện một trong các hành vi: không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông hoặc hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển, kiểm soát giao thông; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều". Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe
Mức phạt này cao gấp hơn 3 lần so với quy định hiện hành. Hiện nay, người điều khiển ôtô vượt đèn đỏ hoặc các hành vi trên sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng. Tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một đến 3 tháng.
Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất phạt 40-50 triệu đồng với tài xế lái ôtô lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng khi xe đang chạy trên đường. Ngoài phạt tiền, người vi phạm sẽ bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe. Mức phạt này cao gấp 4 lần so với hiện hành.
Bộ Công an cũng đề xuất phạt tiền 16-18 triệu đồng với người lái ôtô gây tai nạn giao thông song không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với nhà chức trách gần nhất.
Tài xế đi ngược chiều trên cao tốc, lùi xe trên cao tốc (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng. Mức phạt hiện hành là 16-18 triệu đồng.
Lý giải về những thay đổi trên, Bộ Công an cho rằng tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn biến phức tạp; vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ vẫn diễn ra phổ biến. Đặc biệt là các lỗi vi phạm trên đường cao tốc như lùi xe, đi ngược chiều, chạy xe máy vào cao tốc, đón trả khách tự do.
Ngoài phạt tiền còn quy định tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-24 tháng. Mỗi năm, nhà chức trách tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn trên 500.000 trường hợp vi phạm. Khi bị tước quyền sử dụng, lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày. Nhiều người bị tước giấy phép còn không đến nhận lại nên gây tồn đọng, lãng phí. Bởi vậy việc trừ điểm bằng lái được áp dụng sẽ hợp lý hơn.
Phạm Dự