Do không có thông số thống kê của Việt Nam, tôi dùng một số thống kê của Mỹ trong giáo trình cho sinh viên. Tai nạn liên hoàn thường xảy ra trên đường hai làn (tính trên một chiều) hoặc tại điểm nhập từ hai thành một làn. Đường một làn lại thường hiếm tai nạn liên hoàn. Khoảng 76,5% tai nạn xảy ra khi vượt ẩu. Một va chạm nhẹ lúc này có thể làm xe mất phương hướng và đâm nhiều phương tiện.
69,5% tai nạn xảy ra vào ngày thường, do ngày thường người dân vẫn đi làm bằng cao tốc. Điều này có thể khác biệt với Việt Nam. 38,7% tai nạn xảy ra khi trời mưa do mưa, sương mù, trời đêm làm giảm tầm nhìn. Khoảng 20% tai nạn liên quan tới xe tải, do phương tiện này không dễ điều hướng và chuyển tốc độ. Tai nạn liên hoàn chỉ chiếm dưới 9%, nhưng lại gây ra tới gần 20% trường hợp tử vong.
Tôi thừa nhận nhiều lái xe Việt Nam đi ôtô trên cao tốc nhưng vẫn hành xử như đang điều khiển xe máy trong nội đô. Chỗ nào trống thì điền xe vào. Họ thường không giữ khoảng cách an toàn mà đi sát xe phía trước để chờ vượt hoặc sang làn tạt đầu ngay khi có thể. Các tài xế này không ý thức được một điều là họ có vẻ chuyển động rất chậm so với các xe khác do sai biệt vận tốc chỉ dưới 10 km/h. Nhưng khi tình huống xảy ra như phanh gấp, có dị vật rơi trên đường, xe đổi hướng bất chợt... họ sẽ không có đủ thời gian phản xạ. Nhiều người thậm chí thích là dừng lại đi vệ sinh hoặc rải cả bạt ra ăn uống trên cao tốc...
Bên cạnh những điều dễ dàng chỉ ra như vậy, cũng có nhiều điều thoạt nghe tưởng đúng, nhưng hóa ra lại chưa đủ. Một số tài xế xe con than phiền xe tải đi quá chậm trên cao tốc. Họ cho rằng xe tải sợ tốn xăng nên đi chậm. Điều này thực ra sai. Trừ việc chở quá tải khủng khiếp khiến xe không thể đi nhanh, nghiên cứu của Energy Saving Trust chỉ ra tuyệt đại đa số xe hiện nay được thiết kế để tiết kiệm xăng nhất khi di chuyển ở tốc độ 90-105 km/h. Đã đi chậm lại còn ôm làn trái là hành vi lái xe thiếu ý thức. Nhưng xe tải chạy chậm ở Việt Nam có những lý do nhất định. Xe tải muốn đi nhanh, nhưng nếu vừa tăng tốc lại có xe tạt đầu để "điền chỗ trống" như xe máy tạt đầu xe con trong phố, họ sẽ lại phải giảm tốc. Do xe nặng, khó phanh, những tài xế cẩn thận chỉ có thể tăng tốc khi trước mặt và cả làn bên cạnh trống trải. Nếu không, một cú tạt đầu rất dễ gây tai nạn. Mà điều này không hiếm trên cao tốc ở Việt Nam.
Tôi cho rằng muốn giảm tai nạn liên hoàn trên cao tốc thì cần làm sao tránh việc phải thay đổi làn và tốc độ thường xuyên. Trước hết, cần phải xem lại thiết kế làn và các đoạn nhập làn. Cần đảm bảo đoạn đường thay đổi làn đủ dài để nhập làn an toàn. Thời gian trung bình để nhập làn là khoảng 3 giây với đường thoáng và 5 giây nếu mật độ lưu thông cao. Như vậy, với cao tốc 100 km/h cần khoảng 140 m vạch đứt dài và khoảng 60 m vạch đứt ngắn để nhập làn. Trải nghiệm của tôi trên một số cao tốc ở Việt Nam là các đoạn này thường ngắn hơn nhiều.
Thứ hai là việc lối ra đổ thẳng xuống đèn xanh đèn đỏ hoặc đường đô thị dễ gây ách tắc lùi vào cao tốc. Do mật độ khu dân cư cao, cần xem xét cụ thể các lối ra vào cao tốc.
Về ý thức lái xe, cần tăng cường trong giai đoạn đào tạo cấp bằng. Tuy nhiên như vậy không đủ. Việc này cần tăng cường bằng lời nhắc giống như với thuốc lá: in cảnh tai nạn lên các tấm pano lớn ở một khoảng cách vừa phải trước những đoạn sắp nhập làn, kèm dòng cảnh báo việc nhanh một vài giây có thể làm chậm cả đời cho cả gia đình tài xế. Khi đó, tài xế có muốn vượt ẩu cũng sẽ cần cân nhắc. Những hình ảnh này tôi đã thỉnh thoảng bắt gặp trên một số tuyến cao tốc ở Việt Nam, nhưng vẫn chưa đủ nhiều, để tạo ra sức cảnh báo lớn và thường xuyên cho tài xế.
Trên đường tôi đi làm, thỉnh thoảng có hoa tươi buộc vào cột đèn qua đường ở một góc phố. Đó là hoa của gia đình một nạn nhân tai nạn giao thông. Họ làm vậy không chỉ để tưởng nhớ tới người thân, mà còn nhắc nhở các tài xế hãy cẩn trọng khi lái xe để tránh việc thương tâm tương tự. Thế nên, ai lái xe qua góc đó đều quan sát rất cẩn thận.
Giáo dục ý thức cho tài xế không đơn giản. Và nếu không nhắc nhở về hậu quả, ý thức sẽ kém đi rất nhanh.
Tô Thức